Ngay trong những ngày đầu năm mới Canh Dần 2010, các hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng rất phấn khởi vì giá cá tra nguyên liệu đang tăng trở lại sau nhiều tháng sụt giảm. Sự hồi sinh của con cá tra cũng làm cho nhiều hộ nuôi cá dần lấy lại sức sản xuất kinh doanh và hy vọng về một kết quả khả quan hơn trong năm mới.
Anh Nguyễn Văn Yến, ở TPVL đến với nghề nuôi cá tra đã hơn chục năm nay. Dù nghề nuôi cá tra đã trải qua biết bao thăng trầm, giá cá tăng rồi lại giảm, giảm rồi lại tăng, khiến không ít người phải bỏ nghề. Thế nhưng, anh Yến vẫn không nản lòng bởi vì đối với anh, nuôi cá tra còn là sự đam mê.
Hiện nay, anh Yến đang có 5 ha mặt nước nuôi cá tra thâm canh ở ấp Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ. Mỗi năm, anh xuất bán khoảng 1.500 tấn cá tra cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Trong năm mới này, anh Yến sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích thêm 3 ha để phát triển nghề nuôi. Anh Yến đang rất kỳ vọng vào một năm mới làm ăn phát đạt hơn.
Sự kỳ vọng của anh Yến hoàn toàn có cơ sở bởi thực tế, thị trường xuất khẩu của cá tra Việt Nam đang dần khởi sắc so với năm vừa qua, nhất là xuất hàng vào thị trường Nga.
Không như những năm trước đây, nghề nuôi cá tra bây giờ không thể theo cách làm nhỏ lẻ mà cần phải có sự liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nhà máy chế biến thức ăn và kể cả với ngân hàng, cùng chia sẻ lợi nhuận để tạo nên sự phát triển bền vững.
Tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 400 ha mặt nước nuôi cá tra thâm canh với tổng sản lượng trong năm 2009 đạt gần 92.000 tấn. Thời gian qua, mặc dù giá cá tra không ổn định, có thời điểm người nuôi thua lỗ nhưng nuôi cá tra ở Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung vẫn được xem là thế mạnh của vùng sông nước Cửu Long.
Để nghề nuôi cá tra phát triển bền vững thì rất cần một giải pháp đồng bộ, hiệu quả từ phía Nhà nước và ngành chuyên môn. Trong đó, việc quy hoạch vùng nuôi, diện tích nuôi và sự liên kết giữa doanh nghiệp chế biến cá xuất khẩu với người nuôi cá, việc đảm bảo cân đối giữa cung và cầu được xem là vấn đề then chốt.
Vào đầu năm mới Canh Dần 2010, ngoài chuyện giá cá tăng, thị trường xuất khẩu đang tốt dần lên thì người nuôi cá tra còn có thêm niềm vui là Chính phủ đã phê duyệt đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho việc xây dựng thương hiệu cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây sẽ là động lực để đổi mới, nâng cao cách thức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người nuôi, hạn chế việc sản xuất theo kiểu đại trà, thời vụ và thu mua nguyên liệu thất thường như vừa qua, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà sản xuất, cân bằng giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa sản phẩm cá tra, tránh tình trạng không có hợp đồng xuất khẩu.
Nguyễn Phước