Thực hiện phong trào thi đua xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ngành GD – ĐT Vĩnh Long đã xây dựng mô hình điểm tổ chức lễ tri ân và trưởng thành ở 3 cấp học để các trường mầm non, tiểu học và THPT trong tỉnh có điều kiện tổ chức thực hiện tại đơn vị vào dịp tổng kết năm học.
Lễ tri ân và trưởng thành nhằm thể hiện lòng tri ân của học sinh đối với thầy cô, cha mẹ và xã hội đã quan tâm nuôi dạy các em nên người. Tuy nhiên, nếu không có sự linh hoạt, cân nhắc trong việc vận dụng vào thực tế ở từng cấp học thì lễ tri ân và trưởng thành không những không được xã hội đồng tình mà còn làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có.
Theo Sở GD – ĐT, mục đích của lễ tri ân và trường thành nhằm để học sinh bày tỏ những tình cảm tốt đẹp của mình đối với thầy, cô cùng lời tri ân đối với cha, mẹ – những người đã chăm sóc, dạy dỗ và vun đắp, mở đường tương lai cho các em trong suốt những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường.
Trong Lễ tri ân và trưởng thành của khối lớp 5, bậc tiểu học, các em cũng được mặc áo, đội mũ dành cho những người tốt nghiệp ra trường. Trong lễ tri ân và trưởng thành, các em còn trình bày nhiều bài hát, đọc thơ và bày tỏ tình cảm của mình đối với thầy cô và cha mẹ.
Rõ ràng, phụ huynh cũng chưa đồng thuận lắm khi các trường tiểu học tổ chức lễ tri ân và trưởng thành. Ngay cả bản thân học sinh lớp 5, các em cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của hai cụm từ “tri ân” và “trưởng thành”. Thế nhưng, không chỉ các trường THTP, tiểu học mà cả các trường mầm non, nhất là ở TPVL cũng tổ chức lễ tri ân và trưởng thành cho các bé khối lớp lá. Và hình thức cũng tương tự như hai cấp học trên.
Tri ân thầy cô, cha mẹ và những người đã có công chăm sóc, dạy dỗ, giúp đỡ ta nên người là một việc làm thiết thực, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Tuy nhiên, chỉ nên tổ chức đối với học sinh khối 12 vì các em đã bước sang tuổi 18, lứa tuổi được gọi là trưởng thành, khép lại tuổi học trò để chuẩn bị vào đời với nhiều ước mơ, hoài bão về nghề nghiệp trong tương lai. Thiết nghĩ, ngành Giáo dục cần có chỉ đạo phù hợp thực tế để các trường học giảm những phong trào hoạt động không cần thiết, tránh được sự lãng phí và bệnh hình thức.
Hồng Trâm