Năm qua, nông nghiệp canh tác trong điều kiện thời tiết biến đổi ngày càng khắc nghiệt và dịch bệnh cũng xuất hiện gây hại nhiều hơn, giá vật tư và các khoản chi phí phục vụ cho sản xuất tăng cao; cùng với thị trường tiêu thụ và giá cả đầu ra của nông sản tuột thấp, bếp bênh không ổn định… Từ đó đã có lúc làm cho hoạt động của lĩnh vực này bị trầm lắng. Song, trải qua giai đoạn thăng trầm, cuối năm, lúa gạo, tôm cá và một số nông sản khác đã trổi dậy và làm nên những kỳ tích. Nhìn lại tình hình sản xuất của năm 2010, đi hết từ lo âu hồi đầu năm, đến bừng sáng những ngày kết thúc năm, cho thấy nông nghiệp ở vùng đất ĐBSCL chưa thật sự an toàn và bền vững. Làm thế nào để nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập và mức sống của nông dân; tìm hướng đi bền vững cho nông nghiệp là những việc cần phải làm trong năm Tân Mão 2011

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Long và ĐBSCL tuy có những tiến triển so với trước đây, đất đai được cải tạo, tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, .nhưng soát xét lại thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tiếng là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, là nơi được xem là vựa lúa và thủy sản lớn của cả nước, là nơi cung cấp một lượng gạo xuất khẩu cho thế giới chỉ đứng sau Thái Lan nhưng người nông dân nơi đây vẫn chưa khá giả và còn chịu nhiều thiệt thòi. Trong sản xuất nông nghiệp người nông dân còn đầu tư chi phí quá cao, khi bán nông sản thì giá lại thấp, luôn biến động và thị trường tiêu thụ bấp bênh; từ đó mức thu nhập không nhiều, đa số người dân nông thôn không thể giàu lên được

Anh Lê Thành Trí – một nông dân nòi ở xã Phú Đức, huyện Long Hồ, Vĩnh Long có gần 4 ha đất chuyên trồng lúa; với 2 vụ sản xuất Đông Xuân và Hè Thu, bình quân mỗi năm thu gần 2000 giạ lúa. Tuy đất đai nhiều và số lượng lúa hàng hóa thu hoạch được cũng khá lớn, nhưng gần 15 năm nay gia đình chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày cho 6 nhân khẩu, không có dư để tích lũy. Bởi lẽ, chi phí đầu vào để làm ra hạt lúa cao, trong khi đó đầu ra thì bấp bênh, giá bán thấp. Theo anh, năm nào lúa bán được giá cao thì nông dân có lời, còn ngược lại coi như huề vốn, thậm chí có lúc bị thua lỗ.

Bà con nông dân cho biết, hiện tại mùa màng sản xuất vẫn còn thuận lợi, vụ nào cũng trúng mùa; nhưng ngặt nỗi đến lúc thu hoạch thì giá bán nông sản bị tuột thấp. Tuy là người trực tiếp sản xuất và chịu nhiều vất vả, khổ cực; đồng thời gánh chịu mọi chi phí đầu vào…. nhưng khi đưa vào thị trường tiêu thụ, nhà nông lại không quyết định được giá cả sản phẩm của mình làm ra. Trong khâu lưu thông giải quyết đầu ra của nông sản, đa phần người nông dân bị nằm ngoài vòng hưởng lợi và điệp khúc được mùa – mất giá, thất mùa – trúng giá cứ xoay tròn, đến hẹn lại lên làm cho nhà nông lao đao…

Trồng hoa kiểng bán Tết.

 

Vấn đề khó khăn lớn nhất của nông nghiệp hiện nay, chính là bài toán giữa sản xuất và tiêu thụ chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Nông dân đã xóa bỏ dần canh tác theo kiểu tập quán truyền thống, từng bước đi vào cung cách làm ăn có kế hoạch và chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, các mô hình nông nghiệp đều đạt hiệu quả cao, nhưng về lâu dài thì vẫn chưa thật sự bền vững. Bởi khi đến khâu quan trọng cuối cùng là thị trường tiêu thụ thì luôn gặp nhiều khó khăn, không chủ động tạo đầu ra ổn định, nông sản hàng hóa bán giá thấp.

Từ những nghịch lý trên, vấn đề đặt ra cho sản xuất nông nghiệp ở vùng này nhìn từ kinh tế thị trường là phải đổi mới cơ chế sản xuất và xuất khẩu theo hướng tiêu thụ hết nông sản hàng hóa cho nông dân, ngay cả người nông dân cũng phải đổi mới tư duy để sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp mà thị trường cần. Để nông nghiệp phát triển bền vững, trước hết là phải huy động nguồn nhân lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở , xây dựng hệ thồng thủy lợi hoàn chỉnh. Nâng cao trình độ dân trí và đưa nhanh các tiến bộ KHKT, nhất là giống chất lượng và kỹ thuật mới vào canh tác. Cung cấp đầy đủ thông tin, nhất là nhu cầu thị trường để nông dân có định hướng sản xuất tốt. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm có chất lượng và an toàn, tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường

Bên cạnh phải qui hoạch vùng sản xuất cho từng lọai nông sản, vừa phù hợp với đều kiện đất đai, khí hậu, vừa tạo ra nông sản hàng hóa có số lượng lớn. Sản xuất phải gắn với thị trường và thực hiện bền chặt mối liên kết giữa các nhà với nhau trong một chuổi sản xuất thống nhất, để đầu vào lẫn đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp được thuận lợi và ổn định. Khi tham gia hội nhập thế giới thì nông sản hàng hóa sẽ có điều kiện đi xa hơn, xâm nhập nhiều thị trường mới, song sẽ gặp phải nhiều qui định nghiêm ngặt bởi rào cản về kỹ thuật và sức cạnh tranh của nông sản các nước. Do vậy, cần phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao để có năng suất cao hơn, giá thành rẻ hơn, chất lượng tốt hơn, thị trường ổn định hơn. Song song đó, người nông dân làm nông nghiệp cũng phải thay đổi phương thức sản xuất, phải có tư duy theo kiểu công nghiệp. Ngoài ra nhà nông còn phải liên kết, hợp tác với nhau theo hình thức tổ sản xuất, HTX để thông qua đó giúp cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi, bền vững hơn.

Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, theo hướng sản phẩm có chất lượng an toàn như Việt Gap, Global Gap, Eurep Gap… đang thực hiện ở ĐBSCL đã đem lại kết quả khả quan, nông sản làm ra không “sợ ế”, giá bán cao, từ đó mức thu nhập kinh tế của nông dân tăng lên rỏ rệt. Điển hình như ở Vĩnh Long, HTX bưởi Năm roi Mỹ Hòa, huyện Bình Minh hiện nay không chỉ cung cấp hàng cho các siêu thị trong nước, mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp , Đức, Nga… bởi nông dân nơi đây đang sản xuất loại trái cây đặc sản này theo qui trình Global Gap. Hàng năm, sản lượng bưởi Năm roi của địa phương này đạt gần 50.000 tấn, có đến hơn 30% số lượng được đóng thùng xuất ngoại.

Sản xuất nông sản chất lượng cao và an toàn là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên hiện nay vấn đề này còn hạn chế. Bởi điểm xuất phát của nền nông nghiệp ĐBSCL là sản xuất nhỏ, lạc hậu, vì vậy cần phải có những hướng đi phù hợp; theo đó cũng giống như ngành công nghiệp hay dịch vụ là cần kêu gọi, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và nước ngoài. Trước tiên là họ có vốn , có công nghệ… nên việc làm ra một nhóm hoặc một loại nông sản nào đó có hàm lượng chất xám cao sẽ rất hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL.

Nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng cho công cuộc phát triển ĐBSCL là đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho toàn vùng và cả nước, đồng thời tạo ra những nông sản có lợi thế cạnh tranh cao để xuất khẩu thu ngoại tệ. Tuy nhiên, chỉ có thuần túy là sản xuất nông nghiệp thì nông dân không thể giàu lên được. Theo các chuyên gia kinh tế, muốn phát triển và giàu có thì ĐBSCL phải công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, các vấn đề khác như nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội… Bởi một điều đơn giản là “phi nông bất ổn” và “phi trí bất hưng”. Đây cũng chính là đáp án cơ bản cho bài toán thế và lực để nông nghiệp phát triển an toàn, bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *