Thời gian gần đây, khách hàng chơi cá kiểng ở TP HCM được biết thêm một nguồn sản phẩm khác mà họ thường gọi là cá kiểng Tiền Giang 2. Họ đặt tên như vậy là để phân biệt với sản phẩm cá kiểng khác của Tiền Giang xuất xứ ở TP Mỹ Tho. Vậy, cá kiểng Tiền Giang 2 có nguồn gốc ở đâu? Đó là một nơi còn khá mới mẻ so với quá trình phát triển nghề này.
Khoảng 05 năm trở lại đây, tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, một nhóm nông dân mà tập trung chủ yếu là ở 2 xã An Cư và Mỹ Hội cùng nhau hợp tác hình thành nên một nghề khá mới mẻ tại địa phương – nghề nuôi cá kiểng. Một trong những hộ nuôi đầu tiên và có với quy mô lớn nhất của huyện hiện nay là hộ của ông Đặng Văn Sết, thường gọi là Tám Sết, ở ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Hội.
Với diện tích hơn 1 ha mặt nước ao nuôi, ông thiết kế gần 30 bể bạt và ao đất, thả nuôi khoảng 15 loại cá khác nhau, với lượng con giống bố mẹ lên đến vài chục ngàn con; cứ 2 đến 3 ngày xuất bán cá thương phẩm một lần, số lượng từ 7.000 đến 8.000 con, thu nhập hàng chục triệu đồng. Nếu tính bình quân mỗi tháng hộ ông Tám Sết cung cấp cho thị trường trên 30 chục ngàn con, tiền lãi cũng lên đến vài chục triệu đồng. Theo ông tính toán, lợi nhuận từ mô hình cá kiểng này trong vòng một tháng đã bằng với thu nhập cả năm làm vườn trước đây của gia đình ông. Hơn nữa, cá kiểng lại bán được quanh năm đã tạo được nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định cho gia đình, nên ai nấy cũng đều phấn khởi. Khoảng 2 năm trở lại đây, ông không ngừng mở rộng đầu tư cho trang trại trở nên kiên cố và quy mô hơn.
Không riêng gì gia đình ông Tám Sết, nhiều hộ dân ở gần nghe nói nghề này đầu tư vốn ít nhưng thu lãi khá cao, lại được đảm bảo đầu ra ổn định nên cũng chuyển những vườn cây ăn trái hiệu quả kém hoặc những ao nuôi cá thịt hiệu quả bấp bênh trước đây sang nghề nuôi cá kiểng. Để dễ quản lý và thuận tiện trong khâu thu hoạch, hầu hết bà con nuôi cá trên ao lót bạt .
Theo chiết tính của bà con, cứ mỗi ao lót bạt có diện tích 30m2, thì vốn đầu tư khoảng 1 triệu đồng, có thể thả nuôi từ 3 ngàn đến 5 ngàn con mỗi đợt, và sau một năm sẽ sinh lãi từ 5 đến 6 triệu đồng. Đó mới chỉ là những đối tượng cá rẻ tiền, mỗi con bán có giá từ 500 đến 2.000 đồng mà thôi. Nếu bà con có tay nghề giỏi, nuôi được những loại cá cao giá hơn như: suy-can, lia thia xiêm, sặc gấm, phượng hoàng, half-moon (đọc là hap-mun),…thì tỷ suất sinh lợi trên mỗi đơn vị diện tích sẽ còn tăng cao hơn nhiều lần. Có lẽ chính vì có lợi nhuận hấp dẫn và đầu ra ổn định nên mô hình được nhân rộng nhanh chóng. Đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã có gần 50 hộ tham gia nhóm, với diện tích ao nuôi lên trên 20 ha. Và mô hình luôn được ngành chức năng quan tâm ủng hộ.
Nói về sự xuất hiện của nghề nuôi cá kiểng tại địa phương, ai cũng đều nhắc đến ông Bảy Diệp. Tên họ đầy đủ của ông là Đoàn Văn Diệp, ở ấp An Hòa thuộc xã An Cư. Quê gốc ở Tiền Giang, nhưng từ nhỏ ông Diệp đã sinh sống cùng cha mẹ ở TP HCM. Tại đây, ông có dịp được tiếp cận nghề cá kiểng vài năm. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình, năm 1995, ông phải rời đất Sài thành về quê sinh sống.
Dù có nhiều cố gắng nhưng thị trường cây ăn trái luôn bấp bênh, người nông dân gánh chịu nhiều thiệt, thấy vậy, ông Diệp quyết tâm trở lại nghề nuôi cá kiểng, cái nghề mà ông rất am hiểu, và lâu nay nó vẫn chưa xa rời trong tâm trí ông. Một cuộc gây dựng sự nghiệp mới bắt đầu. Đó là năm 2007, sau khi được địa phương tổ chức đi tham quan các mô hình cá kiểng ở TP Mỹ Tho, và hành trình tìm hiểu thị trường tiêu thụ tại TP HCM, ông bắt đầu mua con giống về sản xuất. Vốn là bạn thân từ nhiều thế hệ, nhà lại cách nhau không xa, ông Diệp và ông Tám Sết cùng bắt tay nhau khởi nghiệp.
Ông Diệp lưu ý, nuôi cá kiểng cũng có những cái khó tương tự như nhiều nghề khác và chỉ có ai thật sự đam mê và hiểu rõ những ngõ ngách của nghề thì mới thành công. Ông kể lại, khi mới vào nghề đem cá đi bán không có ai mua, phải đi bán lẻ từng con ở các trường học, đến khi người ta chịu nhận hàng rồi thì đòi số lượng phải nhiều, đa dạng chủng loại và phải cung cấp ổn định, đáp ứng được như vậy thì mới mua hàng lâu dài. Khả năng của ông Diệp và ông Tám Sết cộng lại mới 1,6 ha, trong khi nhu cầu gấp mấy chục lần, thế là ông vận động nhiều anh em yêu thích nghề vào nhóm cùng làm ăn. Ông thì đảm nhận khâu tiêu thụ, anh em còn lại phục trách sản xuất. Còn những anh em nào chưa hiểu biết nhiều về nghề cá kiểng, ông sẵn sàng hướng dẫn cho họ đến khi thành công mới thôi.
Vì nghề nuôi này phục vụ nhu cầu giải trí nên cần thường xuyên cập nhật và thay đổi để có nhiều sản phẩm lạ và đẹp. Thế nên, ông Diệp cũng không ngừng nghiên cứu và thường xuyên trao đổi chuyện nghề với anh em để nâng cao tuy nghề cho họ. Nhờ vậy, đến nay nhóm nuôi cá kiểng này đã sản xuất gần 100 chủng loại cá khác nhau cung cấp hàng trăm ngàn con thương phẩm mỗi tháng.
Tuy không có tên để gọi một cách chính thức về tổ chức này, nhưng những bà con trong nhóm ai nấy cũng đều giữ đúng nguyên tắc: người đi trước giúp người đi sau, cùng nhau phát triển để nghề nuôi họ và họ sống được với nghề.
Tuy mới phát triển khoảng 5 năm nay, nhưng nghề nuôi cá kiểng ở Cái Bè xứng đáng là mô hình góp phần xóa đói giảm nghèo tốt của địa phương. Vì vậy ngành chức năng đang có hướng hỗ trợ mô hình nhiều hơn.
Tiền Giang đang có thế mạnh về các mô hình cây cảnh, một mô hình cũng có tỷ suất sinh lợi cao cho bà con, với nhiều sự quan tâm và hỗ trợ đắc lực của ngành chức năng địa phương, tin chắc rằng trong tương lai không xa, cá kiểng cũng sẽ trở thành một trong những sản phẩm có ưu thế của tỉnh này. Trong đó, phải nhắc đến một bài học kinh nghiệm đáng quý, đó là sự quyết tâm cao và sự tự nguyện hợp tác cùng có lợi của nông dân.
Thúy Hằng