Do được Bộ NN-PTNT xác định vụ lúa thu đông là vụ lúa chính trong năm đồng thời kết hợp với giá lúa trên thị trường hiện đang ở mức cao, nên sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu là bà con nông dân ở vùng ĐBSCL và tỉnh Vĩnh Long đã khẩn trương xuống giống ngay vụ lúa này gần hết diện tích. Hiện nay lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ và đang phải đối phó với không ít khó khăn, nhất là dịch hại xảy ra liên tục và giá cả phân bón, vật tư nông nghiệp vẫn còn ở mức cao. Do vậy làm thế nào để cho vụ lúa này đạt được hiệu quả cả về năng suất và lợi nhuận đang là một thử thách đối với nông dân.
Vụ lúa thu đông năm nay nông dân tỉnh Vĩnh Long đã gieo sạ trên 53000 ha, vượt hơn kế hoạch 8000 ha. Hiện trà lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh và đòng trổ. Do sản xuất quá cập rập, nên sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu là bà con xuống giống ngay vụ lúa này, vì thế phần lớn diện tích không được bà con thực hiện khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng tốt, nên mầm mống sâu bệnh vẫn còn lưu tồn; mặc khác trong vụ lúa này ở các tỉnh trong khu vực và ngay cả các địa phương trong tỉnh cũng không xuống giống đồng loạt, đã làm cho đồng ruộng có rất nhiều trà lúa khác nhau. Đây là đều kiện để sâu bệnh hại tiếp tục duy trì và phát triển.
![]() |
Qua điều tra trên đồng ruộng, cả tỉnh hiện có gần 8800 ha lúa thu đông bị sâu bệnh gây hại, tập trung chủ yếu trên các trà lúa ở giai đoạn đẻ nhánh và đòng trổ, trong đó diện tích bị nhiễm rầy nâu 800 ha , với mật số từ 100- 300 con/m 2 ; bệnh đạo ôn cũng gây nhiễm trên 3800 ha với tỷ lệ bệnh phổ biến từ 5-15% Ngoài ra các loài dịch hại khác như sâu cuốn lá, bệnh vàng lá vi khuẩn, đốm vằn , lem lép hạt cũng đã xuất hiện gây hại trên một số diện tích lúa đang đẻ nhánh và làm đòng.
Để đối phó với dịch hại thì việc sử dụng thuốc BVTV đang là một biện pháp chủ yếu mà bà con nông dân thường áp dụng ngay từ khi gieo sạ đến lúc trổ chín. Song qua thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều nông hộ sử dụng thuốc không đúng phương pháp, thậm chí còn lạm dụng phun ngừa quá nhiều; từ đó gây lãng phí, tốn kém mà hiệu quả lại không đạt cao. Gây ảnh hưởng không ít đến hiệu quả sản xuất của bà con do chi phí đầu tư nhiều . Do vậy theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp thì việc bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh hại là đều cần thiết, không thể thiếu; nhưng không nên lạm dụng nhiều và xem đây là cách làm duy nhất, mà phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp khác trong canh để giảm áp lực sâu bệnh trên đồng ruộng và khi phun xịt thuốc phải áp dụng theo nguyên tắc 4 đúng. Thực tế cho thấy khi phun thuốc BVTV bừa bãi sẽ tiêu diệt những loài thiên địch có ích, từ đó sẽ tạo điều kiện cho dịch hại phát triển mạnh thêm và làm gia tăng chi hí sản xuất
Song song với việc phòng trừ dịch hại, trong vụ thu đông năm nay bà con còn phải đối phó với vấn đề giá cả vật tư nông nghiệp, mà cụ thể là phân bón và thuốc BVTV vẫn còn ở mức cao. Tuy vậy, bà con nông dân vẫn còn giữ tập quán bón quá nhiều phân. Qua thực tế phần lớn nông dân cung cấp phân bón cho cây lúa không đúng cách và mất cân đối, số đông đều có thói quen dựa vào thời gian sinh trưởng của cây lúa và một công thức cố định, mà ít lưu ý đến nhu cầu của cây lúa, vì thế sẽ có một lượng phân bón thừa và bị hao hụt do cây lúa không hấp thu hết.
![]() |
Trước tình trạng này các nhà chuyên môn đã đưa ra giải pháp bón phân tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo cho cây lúa phát triển và đạt kết quả cao. Theo cách này bà con phải sử dụng bảng so màu lá lúa để bón phân, nhất là không bón thừa phân đạm. Ngòai ra phải bón phân cân đối đạm, lân và kali, nên chia làm nhiều đợt và cung cấp phân bón theo nhu cầu của cây lúa. Tuy biện pháp này không phải là mới, nhưng đây là cách làm đòi hỏi người nông dân phải am hiểu về quá trình sinh trưởng của cây lúa và có kiến thức cơ bản về kỹ thuật canh tác lúa.
Ngoài ra việc áp dụng những biện pháp canh tác tiến bộ như chương trình IPM, 3 giảm -3 tăng……sẽ giúp giảm bớt chi phí đầu tư, năng cao năng suất và lợi nhuận trong sản xuất lúa là việc làm cần thiết . Song điều quan trọng là nông dân phải thực hiện một cách nghiêm túc và khoa học trong việc đồng áng của mình, từ khâu sử dụng giống tốt, giống có chất lượng, mật độ gieo sạ vừa phải, đến khâu làm đất và vệ sinh đồng ruộng phải thật tốt, kỹ thuật chăm sóc thích hợp, quản lý tốt dịch hại và bón phân cân đối ; sẽ giúp cây lúa phát triển khỏe, đạt hiệu quả cao
Đứng trước tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao, sâu bệnh vẫn còn gây hại trên đồng, kết hợp với điều thời tiết hiện nay là mưa nhiều và nước lũ đang về sẽ làm ảnh hưởng không ít đến sản xuất lúa thu đông; cho nên nông dân phải thận trọng, không chủ quan, lơ là ; mà phải theo dõi thường xuyên sự biến đổi của thời tiết, diễn biến của dịch hại trên đồng ruộng mà có biện pháp chăm sóc có hiệu quả, nhưng lại ít tốn kém. Có như thế mới giảm bớt chi phí đầu tư, đảm bảo cho vụ lúa thu đông được an toàn, phát triển tốt, cho năng suất và hiệu quả cao.
Quốc Chiến