Song, không phải vì thế mà con cá bống tượng không phát triển tốt ở vùng đất Vĩnh Long, ngược lại, đã có nhiều hộ nuôi khá thành công và đạt hiệu quả khá cao. Mô hình này không chỉ nâng cao thu nhập kinh tế cho gia đình, mà còn mở ra một hướng đi mới, giúp ngành thủy sản ở các địa phương phát triển thêm phong phú và đa đang về chủng loại.
Ảnh minh họa |
Tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện nhiều mô hình nuôi thủy sản ở nông hộ dưới các hình thức như nuôi trong ao đất, mương vườn, nuôi trong bể lót bạt nylon hay làm vèo bằng mùng lưới… đều đạt kết quả tốt. Các loại thủy sản thường được chọn nuôi dưới hình thức này chủ yếu là cá lóc, cá rô đồng, cá bống tượng, tôm càng xanh, lươn, ếch… Trong đó, cá bống tượng đang là đối tượng được bà con chú ý quan tâm nhiều, vì chi phí đầu tư ít nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Hiện nay, nuôi cá bống tượng trong ao đất đang được bà con nông dân ở một số địa phương của huyện Tam Bình thực hiện khá thành công.
Cá bống tượng nuôi được ở mọi thời điểm trong một năm. Mỗi vụ nuôi kéo dài khoảng 14 – 15 tháng, nếu thức ăn đầy đủ và chăm sóc tốt cá sẽ đạt trọng lượng từ 500 – 600gr/ con. Do chi phí đầu tư nuôi cá bống tượng rất thấp, nên hiệu quả kinh tế đạt khá cao. Qua tính toán, mỗi kg cá thương phẩm sau khi trừ chi phí còn lãi trên 60%.
Các nhà chuyên môn cho rằng, để nuôi cá bống tượng có năng suất và lợi nhuận cao, người nuôi cần lưu ý là phải chọn con giống tốt, khỏe mạnh và sạch bệnh, ao nuôi phải cải tạo và làm vệ sinh thật tốt để hạn chế dịch bệnh phát sinh. Ngoài ra, trong khâu chăm sóc phải cung cấp đầy đủ thức ăn cho cá và thường xuyên phòng ngừa các loại bệnh như ký sinh trùng, bệnh vi khuẩn. Thức ăn cho cá bống chủ yếu là các loại động vật tươi sống như ốc bươu vàng, tép, cá con và trùng quế… Lưu ý, do cá bống tượng thường sống ở dưới đáy ao và ăn chủ yếu về ban đêm, do vậy khi cho cá ăn hàng ngày phải dành 2/3 lượng thức ăn cung cấp vào lúc trời tối. Theo khuyến cáo, khi nuôi cá bống tượng có thể ương và thả ghép một số loài cá khác như cá trôi, cá mè để tạo thêm nguồn thức ăn cho cá.
Hộ ông Nguyễn Văn Phin – ở ấp 4, xã Phú Lộc, huyện Tam Bình – cho biết, trước đây, ông thấy nhiều người nuôi cá bống tượng có hiệu quả kinh tế khá cao nên ông quyết tâm tìm hiểu và nghiên cứu về kỹ thuật nuôi loài thủy sản này. Đến giữa năm 2009, gia đình đã cải tạo gần 1.000 mét vuông ao để thả nuôi 2.000 con cá bống tượng giống. Hiện nay, sau gần 7 tháng nuôi, qua kiểm tra, cá đạt trọng lượng bình quân từ 200 – 250gr/ con. Theo ông, nếu chăm sóc tốt, đến lúc thu hoạch, cá sẽ đạt trọng lượng 400 – 500gr/ con. Với giá cá thương phẩm như hiện nay (từ 160.000 – 180.000 đồng/ kg), sau khi trừ hao hụt 40% và chí phí đầu tư vụ cá, ông sẽ thu lời khá cao. Ông cho biết, tuy cá bống tượng dễ nuôi, không đòi hỏi công chăm sóc nhiều, chi phí đầu tư thấp, nhưng khi nuôi phải tuân thủ đúng kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp và chú ý nhiều đến vệ sinh nguồn nước trong ao, nên thay nước thường xuyên để ao luôn sạch và phòng ngừa cá bệnh ký sinh cho cá.
Mô hình nuôi cá bống tượng trong ao đất đang được bà con nông dân ở huyện Tam Bình thực hiện khá thành công. Tuy qui mô nhỏ và số lượng nuôi còn ít nhưng cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho gia đình. Hiện số hộ nuôi cá bống tượng ở các địa phương chưa phát triển nhiều, nhưng sự thành công của mô hình này không chỉ góp phần tạo nguồn thu kinh tế cho nông hộ, mà còn giúp cho lĩnh vực thủy sản ở các địa phương phát triển ngày càng đa dạng hơn về đối tượng nuôi, giải quyết lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho nông dân và vươn lên làm giàu.
Quốc Chiến