Vụ Đông Xuân năm nay trúng mùa nhưng lợi nhuận không được như người nông dân mong muốn |
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng : Với giá mua lúa 4.000 đồng/ kg, sau khi trừ chi phí, nông dân có lời 30%. Tỉ lệ này chưa sát với thực tế một số địa phương. Nông dân sản xuất một ha lúa Đông Xuân, từ khâu dọn đất, lúa giống, phân thuốc đến xuống giống và thu hoạch… chi phí gần 15 triệu đồng (chưa tính công lao động). Mặt khác, từ trước tới nay, người sản xuất lúa chưa thể quyết định được giá cả và đầu ra của hạt lúa.
Ông Nguyễn Văn Xinh – ở ấp 4, xã Phú Lộc, huyện Tam Bình – canh tác 2 ha ruộng, cho biết : Vụ Đông Xuân năm nay trúng mùa, năng suất 40 giạ/ công nên gia đình ông thu hoạch gần 16 tấn lúa. Sau khi cân đối tiêu dùng trong gia đình và chăn nuôi, ông còn dư hàng chục tấn lúa hàng hóa. Tuy nhiên, ông vẫn chưa bán được vì giá lúa thấp, tính ra không có lời nhiều. Lúa ứ đọng tồn trữ trong nhà, nợ vật tư chưa thanh toán trong khi vụ lúa Hè Thu đã đến…
Nông dân tỉnh Vĩnh Long và ĐBSCL đều có chung tâm trạng lo lắng trong tiêu thụ lúa Đông Xuân. Theo tính toán, sau khi cân đối lương thực, tỉnh Vĩnh Long còn trên 200.000 tấn lúa hàng hóa. Theo phân bổ của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, hai đơn vị là Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Long mua lúa gạo tạm trữ 36.000 tấn gạo, như vậy chỉ giải quyết được 80.000 tấn lúa. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện thời, các doanh nghiệp thành viên đã mua xong 2 triệu tấn lúa, tương đương 1 triệu tấn gạo tạm trữ trong tháng 3 theo chỉ đạo của Chính phủ. Do đó, việc thu mua lúa của thương lái cũng giảm dần.
Lúa đang được thương lái thu mua với giá trên dưới 4.000 đồng/ kg tùy loại, so với trước Tết Nguyên đán đã giảm gần 1.000 đồng/ kg. Với giá lúa này, nông dân vẫn có lời, nhưng khó đảm bảo lợi nhuận 30% cho người trồng lúa. Nông dân vẫn chưa cảm nhận được sự công bằng trong phân chia lợi nhuận với doanh nghiệp, khâu chế biến và xuất khẩu vẫn có lợi nhuận cao hơn nhiều so với người trực tiếp làm ra hạt lúa.
Một nỗi lo khác là việc bảo quản tồn trữ lúa. Đa số nông dân có thói quen bán lúa tươi ngay sau khi thu hoạch nên không xây dựng hoặc chuẩn bị kho chứa chu đáo. Vì thế, khi lúa không bán được, tồn dọng nhiều, việc bảo quản lúa sẽ gặp khó khăn, hầu hết bà con đều vô bao chất thành đống ở mái hiên nhà. Tuy vụ lúa Đông Xuân không bị ảnh hưởng thời tiết mưa bão nhưng không có kho chứa an toàn cũng sẽ làm giảm phẩm chất hạt lúa và hao hụt một lượng lúa đáng kể do chuột và sâu mọt phá hoại. Đây cũng là yếu tố làm cho bà con nông dân thêm phần thiệt hại khi lúa không tiêu thụ được.
Để giải quyết lượng lúa Đông Xuân còn tồn đọng nhiều trong dân, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục triển khai thu mua thêm 500.000 tấn gạo hàng hóa trong tháng 4 để tạm trữ; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp triển khai công tác tổ chức lực lượng nhà máy xay xát và hàng xáo vào thành chuỗi hệ thống mua lúa gạo cho nông dân với cách tính giá mua từng công đoạn hợp lý, đảm bảo lợi ích cho tất cả các thành phần tham gia. Giải pháp này hy vọng sẽ góp phần giải quyết khó khăn trong tiêu thụ lúa hàng hóa cho vụ Đông Xuân.
Quốc Chiến