Bên bờ hạnh phúc

Tôn sư trọng đạo là truyền thống cao quý của người Việt

Ngày nay, học trò cũng rủ nhau từng nhóm nhỏ đến chúc Tết thầy. Quà Tết cũng đơn giản như xưa nay vẫn vậy. Tuy nhiên, so với ngày xưa, quan hệ thầy trò đã trở nên gần gũi, thân mật hơn. Thầy trò có dịp trao đổi với nhau về chuyện học hành, chuyện sinh hoạt làm ăn, chuyện sức khỏe, chuyện gia đình… Từ đó, giữa thầy trò gắn bó mật thiết nhau hơn. Thầy cô dạy chữ, và thông qua dạy chữ để dạy người, dạy cách làm người. Ngay một đứa trẻ vừa tròn 3 tuổi vào học mẫu giáo đã được cô giáo dạy cách ăn, cách nói. Ba năm học ăn, học nói, tuổi ấu thơ gắn liền với những lời dạy dỗ bảo ban của cô giáo, như là người mẹ hiền thứ hai. Suốt quãng đời học phổ thông, hình ảnh người thầy luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng học sinh. Câu cửa miệng lưu truyền trong dân gian “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” cho thấy người thầy là một danh xưng luôn được xã hội tôn vinh.

Trong cuộc đời đi dạy, dù lắm người ví von nghề dạy học đen bạc như nghề đưa đò, song, không hiếm những thầy, cô giáo luôn tìm thấy niềm hạnh phúc khi học trò mình thành đạt. Bây giờ, phương tiện thông tin liên lạc đã phát triển khá nhanh, người học trò năm xưa có thể lười ngồi viết thư thăm thầy cô cũ của mình. Nhưng trong tâm khảm của mình, người thầy, người cô vẫn dõi theo những bước đi của học trò cũ ngày nào. Tình nghĩa thầy trò không chỉ trong mối quan hệ dạy và học, người thầy còn luôn quan tâm chú trọng đến hoàn cảnh các em học sinh nghèo hiếu học. Nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đều nhận được sự bảo bọc, nâng đỡ từ phía nhà trường, từ thầy cô giáo. Thật đáng quý biết bao những tấm lòng người thầy luôn hết lòng vì học sinh thân yêu.

Dù cho tung cánh muôn phương,
Ơn thầy, nghĩa bạn, tình trường không quên.

Hai câu lục bát ngắn gọn này đã hàm chứa biết bao ân tình. Ai cũng có một thời cắp sách đến trường, học với thầy, vui đùa cùng chúng bạn. Chính vì luôn luôn canh cánh bên lòng ơn thầy, nghĩa bạn, nên mỗi khi có dịp họp mặt đông đủ, vui vầy tại trường cũ thì thật là cảm động. Thầy trò, bạn bè sau nhiều năm xa cách, được nhìn tận mặt, bắt tận tay, được có thêm cơ hội để mường tượng lại những nét thân quen từ trong sâu thẳm của những dòng kỷ niệm, không ít người đã không kìm được giọt lệ vui mừng, hạnh phúc.

Niềm vui của người thầy gắn bó nhiều năm với nghề dạy học là có học trò cũ về thăm. Ngày xưa, ở các trường có dạy học sinh một bài học vỡ lòng mang tên “Thưa thầy, con là Carnot đây”, nói về chuyện một nguyên thủ quốc gia ở Pháp khi về thăm thầy cũ vẫn giở nón cúi đầu lễ phép chào người thầy xưa, dù thầy mình đã quá già, không thể nhận ra người trò cũ năm xưa. Tình nghĩa thầy trò mong sao ở đâu và bao giờ vẫn vậy. Cứ sau mỗi lần đi thăm thầy cô cũ, trong lòng những người học trò ngày nào lại dấy lên bao kỷ niệm đẹp về thời niên thiếu, về bạn cũ, trường xưa. Dù thời gian và cuộc sống đổi thay, vẫn trọng nghĩ tình, vẫn tìm lại được nhau để hàn huyên tâm sự về bao kỷ niệm tuổi học trò, gợi lại một thời để nhớ và giúp nhau sống tốt hơn.

Một câu chào, một câu chúc, một tấm thiệp, một món quà nho nhỏ vào dịp lễ tết đều làm ấm lòng thầy cô – những người luôn ấp ủ những kỳ vọng về tương lai của học trò. Có thể nói, truyền thống “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc Việt Nam là vốn quý mà mọi người đều phải trân trọng và giữ gìn. Tình nghĩa thầy trò là một tình cảm thiêng liêng cao quý. Tết thầy luôn là nét đẹp văn hóa của người Việt, của dân tộc Việt.

An Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *