Bên bờ hạnh phúc

Nếu ai có dịp biết được đời sống của bà con nông dân ở xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cách nay hơn 11 năm thì hôm nay mới cảm nhận được hết sự thay da đổi thịt của vùng đất xa xôi, hẻo lánh này. Đối với bà con ở ấp Cảng Buối, nơi có sự ra đời của HTX nuôi tôm Hòa Nghĩa, một trong 2 HTX về nghề nuôi tôm sú của xã Hòa Đông, sự trở mình trên vùng quê càng rõ ràng hơn.

Trước đây, đất đai của bà con chỉ độc canh cây lúa. Mỗi năm chỉ trồng được một vụ nhờ vào nước trời. Nhiều hộ có đến vài ba hecta, nhưng vẫn không khá được. Có hộ thiếu nợ vật tư nông nghiệp năm này qua năm nọ, cứ chồng chất mãi không sao trả nổi. Vào thời gian ấy, phong trào nuôi tôm sú phát triển và lan rộng ở các tỉnh có diện tích giáp biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… Vì vậy, việc quy hoạch lại đất nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu của bà con đã được chính quyền tỉnh Sóc Trăng quan tâm đúng lúc. Năm 2000, toàn xã Hòa Đông được nhà nước quy hoạch để nuôi tôm sú, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của bà con nơi đây. Giai đoạn đầu, do chưa có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, đa số bà con gặp khó khăn, thất bại. Hình thức nuôi phổ biến lúc bấy giờ là theo hướng quảng canh, hoặc quảng canh cải tiến, chưa có hộ nào nuôi theo hướng công nghiệp. Dù có những hộ nuôi thành công, thu được lợi nhuận nhưng số ấy không nhiều. Hơn nữa, điều đó cũng báo hiệu một hệ quả tất yếu là ô nhiễm môi trường nước, lưu tồn mầm bệnh, dẫn đến tôm nhiễm bệnh chết hàng loạt và vùng nuôi bị thất trắng. Vì vậy, được sự hỗ trợ kịp thời của Trung tâm Khuyến ngư tỉnh cũng như chính quyền địa phương, những hộ dân ở ấp Cảng Buối thành lập Câu lạc bộ nuôi tôm sú vào năm 2002 nhằm tiếp nhận sự chuyển giao khoa học kỹ thuật từ các nhà chuyên môn và từng bước chuyển đổi nghề nuôi theo hướng công nghiệp.

Chỉ sau 01 năm khi Câu lạc bộ nuôi tôm ấp Cảng Buối ra đời, nhờ hiệu quả thiết thực của nó, chính quyền và ngành chức năng nơi đây bắt đầu xúc tiến việc thành lập HTX theo đúng chủ trương của nhà nước. Giữa đầu năm 2003, HTX nuôi tôm sú Hòa Nghĩa ra đời với 15 xã viên và tổng diện tích là 38,5 ha, vốn góp ban đầu là 2 triệu đồng/hộ. Trong quá trình sản xuất, nếu có nhu cầu, HTX cũng được tạo điều kiện để vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất. Về nguyên tắc : đất đai nhà ai nấy làm, vốn ai người đó đầu tư nhưng trong sản xuất phải tuân thủ những điều lệ chung của HTX, khuyến cáo của các nhà khoa học (từ khâu làm đất, thả con giống, chăm sóc đến khâu thu hoạch, tất cả đều phải làm đồng loạt)… Đồng thời, HTX cũng thống nhất : trong năm chỉ nuôi một vụ ăn chắc, thả giống trong tháng 2 âm lịch, đến tháng 6 và tháng 7 âm lịch là thu hoạch, tuyệt đối không nuôi vụ 2.

Nuôi tôm sú đã giúp nhiều bà con xã viên trong HTX tôm sú Hòa Nghĩa thoát nghèo, nhiều hộ còn vươn lên khá, giàu.

Ngoài ra, về mặt kỹ thuật và vốn, nếu hộ nào gặp khó khăn thì được các thành viên khác của HTX cùng nhau hỗ trợ để không bị thua lỗ. Chẳng hạn, nếu phát hiện vuông nào có tôm bị bệnh thì thông báo cho các thành viên khác biết để cảnh giác, đồng thời mời kỹ sư xuống tận nơi xem xét, nếu ngoài khả năng cứu chữa thì lập tức tiêu hủy vuông tôm đó ngay và tổ chức thả nuôi lại cho kịp thời vụ.

Hộ của anh Ngô Minh Sơn là một trong những hộ nghèo của HTX. Anh chỉ có 1 ha mặt nước ao nuôi. Lúc bắt đầu nuôi tôm, anh bị thiếu vốn nhưng mỗi khi gặp khó khăn anh đều được HTX hỗ trợ kịp thời bằng cách cho nợ tất cả các khoản tiền đầu tư, đến khi thu hoạch anh chỉ lấy phần lãi, phần vốn đầu tư trả lại cho HTX. Với cách làm như vậy, qua vài năm, anh Sơn đã thoát nghèo, gia đình có thu nhập ổn định… Lúc mới nuôi tôm, gia đình của ông Nguyễn Văn Kim cũng nợ nần rất nhiều, thiếu vốn đầu tư, nhờ các thành viên của HTX chung tay giúp sức, gia đình ông cũng vượt qua khó khăn. Với tinh thần đoàn kết và cùng nhau chia sẻ, hơn 7 năm qua, HTX luôn gặt hái những thành công, năm nào cũng thu lãi từ 4 tỷ đồng trở lên và không có xã viên nào bị thua lỗ. Năm 2003, vụ đầu tiên sau khi HTX ra đời, toàn HTX thả nuôi 6 triệu con giống, sản lượng thu được trên 96 tấn, tổng doanh thu đạt 8 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận 50%. Tính ra mỗi ha cho thu nhập 103 triệu đồng, đây là thu nhập cao nhất mà trước đây bà con chưa từng đạt được trong nghề nuôi tôm của mình. Thành công đó được HTX duy trì cho đến nay. Vụ tôm 2010 này, HTX có số lượng xã viên là 17, tổng diện tích là 53,5 ha, thả nuôi gần 10 triệu con giống, năng suất trung bình là 2,8 tấn/ha. Với giá bán hiện tại, năm nay, tổng doanh thu có thể đạt trên 15 tỷ đồng, lợi nhuận vẫn đảm bảo là 50%.

Nhờ nuôi tôm liên tục thành công như thế, tất cả các hộ xã viên đều có điều kiện để làm giàu. Đã có trên 50% số hộ xã viên khá giàu và đã xóa tất cả hộ nghèo trong HTX. Ngoài ra, HTX còn chung tay góp sức với cộng đồng về các hoạt động xã hội như : xây cầu, xây đường, hiến đất xây trường học… làm cho bộ mặt nông thôn ở ấp Cảng Buối có nhiều thay đổi tích cực hơn. Với đà phát triển và sự đoàn kết cao trong nội bộ của HTX như thế, trong thời gian tới, HTX tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của ngành chức năng để tiến tới thực hiện quy trình nuôi tôm sạch. Đây cũng là hướng đến tất yếu của cộng đồng những người nuôi tôm sú – một mặt hàng thủy sản rất có giá trị xuất khẩu.

Trong điều kiện nghề nuôi tôm nói chung và nuôi tôm sú nói riêng còn đối mặt với nhiều thách thức thì bà con xã viên của HTX Hòa Nghĩa ở ấp Cảng Buối có thể tự tin với tay nghề và nguồn vốn đủ mạnh của mình để có thể ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra. Do đâu mà họ có được sự an toàn trong điều kiện khó khăn như thế? Có thể thấy, đó là nhờ tinh thần đoàn kết, hợp tác. Bà con luôn luôn ý thức rằng : nếu phá vỡ sự hợp tác thì sự thành công trong nghề nuôi tôm cũng sẽ không còn, bởi không ai khác, chính họ là những người đã từng trải qua rất nhiều khó khăn trong thời gian còn làm ăn riêng.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *