Bên bờ hạnh phúc

Từ ngày 2 đến ngày 8/9/2010 vừa qua, Festival gốm sứ Việt Nam được diễn ra tại Bình Dương – một tỉnh có truyền thống lâu đời về nghề gốm. Hoạt động văn hóa này không chỉ thu hút được sự quan tâm của những làng nghề gốm sứ trong cả nước mà còn là điểm đến cho du khách gần xa thưởng lãm.

Festival Gốm sứ Bình Dương lần đầu tiên được tổ chức là một trong những hoạt động hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và cũng là sự kiện quan trọng tôn vinh nghề gốm sứ của cả nước. Tỉnh Bình Dương vinh dự và tự hào là địa phương tổ chức sự kiện gắn liền với lịch sử, văn hóa, truyền thống của đất nước và con người Việt Nam từ hàng ngàn năm qua và tiếp tục định hướng phát triển trong tương lai. Festival diễn ra long trọng và sôi nổi với nhiều hoạt động xoay quanh chủ đề “Truyền thống – Bản sắc và Phát triển”, đáp ứng sự mong đợi của người dân làng nghề, doanh nhân, nghệ nhân và các nhà nghiên cứu gốm sứ trên cả nước.

Bình gốm nguyên khối lớn nhất từ trước đến nay của làng gốm Bàu Trúc tại được trưng bày tại Festival gốm sứ

Hàng ngàn năm qua, từ đất và lửa, qua bàn tay tài hoa và sự cảm nhận tinh tế của những nghệ nhân xưa và nay, gốm sứ đã cho con người những ký ức về quá khứ, những cảm xúc tuyệt vời trong cuộc sống đương đại. Hôm nay, Festival trở thành nơi hội tụ của tất cả những dòng gốm từng có mặt trong lịch sử, theo dọc chiều dài đất nước lẫn chiều sâu văn hóa Việt Nam. Mỗi dòng gốm như một trang sử hào hùng của một thế hệ, một triều đại, hay một nền văn minh từng có mặt trong quá khứ. Mỗi làng nghề là một nét đặc trưng riêng, mang dấu ấn của bàn tay người thợ lẫn sự sâu lắng trong cảm xúc con người.

Trong khuôn khổ Festival, Hội chợ triễn lãm “Gốm sứ – thế giới của sắc màu” được diễn ra với sự tham gia của gần 30 làng nghề nổi tiếng khắp cả nước, như Biên Hòa – Đồng Nai, Long Hồ – Vĩnh Long, Bàu Trúc – Ninh Thuận, Thổ Hà – Bắc Giang, Chu Đậu – Hải Dương, Phù Lãng – Bắc Ninh v.v.. cùng với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mỗi làng nghề mang đến màu sắc khác nhau cho triễn lãm thêm phần sinh động. Người xem triễn lãm có thể chiêm ngưỡng một cách đầy đủ nhất về sự phong phú và đa dạng của gốm Việt. Từ những vật dụng bằng gốm đen của vùng đồng bằng sông Hồng đến những hình dáng cách điệu của gốm Chăm và cả những sản phẩm trang trí được làm từ đất nung ở ĐBSCL, tất cả đã nên một bức tranh đầy màu sắc.

Bên cạnh đó, Festival còn là cơ hội giao lưu, trao đổi và quảng bá thương hiệu cho các làng nghề. Không chỉ là dịp để khẳng định tên tuổi của những làng nghề từng được nhiều người biết đến mà còn là cơ hội quảng bá cho những làng nghề mới được hình thành. Ngoài ra, hoạt động trưng bày cổ vật cũng thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách tham quan, nhà nghiên cứu v.v.. Hơn 300 cổ vật gốm sứ qua các thời kỳ đều quy tụ tại Bảo tàng Bình Dương trong những ngày diễn ra Festival. Trong đó, có cả những cổ vật được trục vớt từ các vùng biển Việt Nam. Người xem còn được hiểu thêm về lịch sử qua các hoa văn họa tiết được chạm khắc trên các sản phẩm này. Mỗi thời kỳ có những câu chuyện khác nhau được các thế hệ tiền nhân khắc họa và kể trên gốm.

Festival gốm sứ 2010 là lễ hội tôn vinh giới thiệu về gốm sứ Việt Nam qua nhiều thế kỷ, đồng thời là hoạt động văn hóa du lịch độc đáo thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Thu Trang
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *