Sóc Trăng, một miền đất trù phú nằm ven bờ Nam sông Hậu, tiếp giáp với biển Đông qua cửa biển Trần Đề và cửa biển Mỹ Thanh… Người Sóc Trăng vừa mang đậm chất nông thôn sông nước miệt vườn Nam bộ, vừa có nét văn hóa của cư dân vùng biển. Trong lịch sử gần 300 năm khai hoang, mở đất, dựng làng của Sóc Trăng, cả ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer… đã tạo nên một một bản sắc văn hóa rất riêng, nhất là những nét văn hóa ẩm thực dân gian…

Về Sóc Trăng, có lẽ nhiều người đã từng biết đến những làng nghề không chỉ giúp bà con có cuộc sống ổn định, góp phần tạo nên danh tiếng, gắn liền với với địa danh những miền quê như bánh pía Vũng Thơm, lạp xưởng Đại Tâm, hành tím Vĩnh Châu. Trong số đó, có cả món “bún nước lèo Sóc Trăng” đặc biệt nổi tiếng…

Theo những người bạn đồng nghiệp của chúng tôi, Sóc Trăng có rất nhiều nơi bán bún nước lèo, từ gánh hàng rong đến quán nhỏ, quán lớn. Từ thành thị đến nông thôn, nơi nào cũng có. Chúng tôi tìm đến gánh bún nước lèo của chị Trầm Thị Thúy Hằng, nằm ở góc đường Ngô Quyền, thành phố Sóc Trăng. Chị mới dọn ra lúc 7 giờ sáng, chúng tôi đến lúc 8 giờ và là người “mở hàng” cho chị. Chị Hằng cho biết, chị học nghề nấu bún nước lèo từ bà ngoại và mẹ. Góc phố này ai cũng biết gánh bún nước lèo của chị hơn 10 năm nay… Mỗi ngày, chị bán từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều, bình quân mỗi ngày từ 7 đến 10 ký bún, kiếm lời được khoảng 70.000 – 80.000 đồng. Chị còn cho biết, cũng gánh bún này, buổi tối, chị nấu nồi nước lèo mới rồi gánh ra cho mẹ bán ở một góc đường khác. Mẹ chị đã hơn 70 tuổi rồi mà vẫn không chịu nghỉ bán…

Chúng tôi đến theo lời mời của một nhóm thực khách là sinh viên trường Cao đẳng cộng đồng Sóc Trăng. Đây là quán bún nước lèo mới mở ở số 21, đường Phú Lợi, thành phố Sóc Trăng. Các em ghé ăn ủng hộ quán mới… Chủ quán là chị Trần Thị Phương Trang. Do bị khuyết tật ở chân nên khi về làm dâu gia đình này, chị được bà ngoại chồng dạy nghề nấu bún và mẹ chồng cho mở quán tại đây. Khách của chị đa phần là sinh viên, bởi chị bán giá bình dân, phù hợp với túi tiền của các em.

Bún nước lèo Sóc Trăng

Theo các nhà nghiên cứu, bún nước lèo là món ăn có nguồn gốc từ bà con Khmer. Nấu nước lèo là nấu với mắm bò hóc truyền thống, bà con gọi tắt là “mắm bò”. Chúng tôi tìm về vùng nông thôn có nhiều bà con Khmer sinh sống ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng để tìm hiểu thêm về cách nấu của bà con. Vào ấp An Định, con đường nông thôn và quán bún nước lèo cất bằng cây lá của chị Kim Ly ven đường làm chúng tôi thật sự ấn tượng về một miền quê thanh bình, yên tĩnh và sạch đẹp. Với vẻ chân chất, thật tình, chị cho biết, nhờ vào quán bún nước lèo này mà chị có cuộc sống khá ổn định, nuôi các con đến lớn rồi lập gia đình. Các con sống bằng nhiều nghề khác, nhưng chị thì vẫn ngày ngày gắn bó với món bún nước lèo do ông cha để lại. Một món ăn có từ thời xa xưa, được mẹ cha cho ăn từ tấm bé, mà vẫn được gìn giữ được hương vị cho đến bây giờ. Thử hỏi, những ai xa quê, ít có dịp về thăm lại quê nhà, mỗi lần nghe nhắc đến món ăn này chắc sẽ không khỏi bồi hồi, thương nhớ quê xưa…

Cố đi tìm cho được một gánh bún nước lèo bán rong, chúng tôi vào Chùa Dơi, một điểm tham quan du lịch khá hấp dẫn của Sóc Trăng nhưng chỉ có các quầy hàng bán nước giải khát, bán hàng thủ công cho du khách mua làm quà lưu niệm, gánh bún nước lèo thì không có. Bà con ở đây cho biết, bún nước lèo chỉ bán vào các dịp lễ hội Oc-om-boc hoặc Don-ta mà thôi…  

Thịt heo quay, cá lóc, tép… tạo vị ngon ngọt đặc trưng cho món bún nước lèo

Trở lại với thành phố Sóc Trăng, nơi được xem khởi nguồn tạo nên danh tiếng của bún nước lèo, chúng tôi đến với quán bún nước lèo Cây Nhãn. Đây có lẽ là quán nổi tiếng nhất Sóc Trăng. Xế trưa, quán mới dọn ra mà thực khách đã ngồi đông gần hết bàn. Cô thợ nấu trụng bún liên tục, hàng chục người chạy bàn tới lui tất bật… Người sành ăn thường gọi thêm đầu cá và trứng ăn kèm. Chủ quán là cô La Cẩm Nhung, một cựu giáo chức nghỉ hưu, nay đã gần 70 tuổi. Cô cho biết đã bán trên vỉa hè này cách đây gần 50 năm, cây nhãn dạo trước (đã chết) đã góp phần cùng bún nước lèo cô nấu, để lại dấu ấn địa danh bún nước lèo nổi tiếng cho gia đình, nên cô phải xin cây khác trồng lại.

 

Ở khu phố đêm, chúng tôi gặp bà cụ tuổi ngoài 70 vẫn còn muốn ngồi bán hàng đêm ở góc đường này. Bà cụ này là mẹ của chị Thúy Hằng mà chúng tôi đã gặp vào một buổi sáng ở góc đường Ngô Quyền. Không phải là các con bà để mẹ phải bươn chải khi tuổi đã cao, nhưng đối với một người yêu nghề và gắn bó cả đời với đôi quang gánh này như bà thì được đi bán bún là niềm hạnh phúc, dẫu đêm nay vắng khách. Bà tự ăn tô bún do mình nấu và chắc hẳn bà sẽ còn sống vui, sống khỏe khi còn được ngồi bên nồi súp nước lèo hàng đêm…

Từ những gánh bún bán rong ở nông thôn, nấu bằng mắm bò hóc, được cải tiến dần dần qua cách nấu mắm cá sặc của người Kinh cho phù hợp với gu ẩm thực của người dân thành thị, cộng với tài nấu ăn, kết hợp pha chế khéo léo của các mẹ, các chị, bún nước lèo Sóc Trăng trở nên nổi tiếng, mở ra một nghề sinh sống cho hàng trăm gia đình. Bây giờ, bún nước lèo Sóc Trăng đã có ở Cần Thơ, Vĩnh Long, TPHCM và vài nơi khác… Bún nước lèo Sóc Trăng thật xứng đáng là món ăn dân gian cần được gìn giữ và lưu truyền trong kho tàng ẩm thực dân gian Nam bộ…

Quách Nhị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *