Bên bờ hạnh phúc

Hôm 06/04, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chiến lược hạt nhân mới, hạn chế việc Mỹ sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình.

Vũ khí hạt nhân

Quốc hội Mỹ luôn yêu cầu các tổng thống phải đưa ra "Báo cáo về thái độ đối với hạt nhân", nhưng Tổng thống Obama đã tạo ra sự kỳ vọng lớn khi ông đưa ra tuyên bố vào năm ngoái rằng sẽ chấm dứt "cách tư duy thời Chiến tranh Lạnh" và tạo ra một tầm nhìn cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Lần đầu tiên, Mỹ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ khí nguyên tử để chống lại các nước không có vũ khí hạt nhân, trái ngược với đe dọa trả đũa hạt nhân trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công sinh học hay hóa học dưới thời Tổng thống G.W. Bush. Nhưng sự thay đổi này được đưa ra với điều kiện rằng, các nước đó phải tuân thủ Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT).

Mỹ sẽ không phát triển các đầu đạn hạt nhân mới, từ bỏ mục tiêu thời Tổng thống G.W. Bush nhằm sản xuất bom hạt nhân có khả năng xuyên vào các mục tiêu ngầm.

Chiến lược hạt nhân mới kêu gọi tăng cường đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng vũ khí của Mỹ và nhấn mạnh rằng, điều đó "sẽ không chỉ đảm bảo kho hạt nhân của Mỹ, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc cắt giảm hạt nhân hơn nữa". Theo các chuyên gia kiểm soát vũ khí, kho hạt nhân của Mỹ có khả năng được tiếp tục cắt giảm bằng cách nâng cấp các phòng thí nghiệm vũ khí để loại bỏ các đầu đạn cũ, không hiệu quả.

Chính quyền của Tổng thống Obama cam kết theo đuổi việc kiểm soát vũ khí hơn nữa với Nga, ngoài hiệp ước START mới, mà ông Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev dự kiến ký kết tại Praha vào hôm nay. Mỹ nhấn mạnh rằng, bất kỳ nỗ lực mới nào cũng sẽ xử lý, không chỉ các loại vũ khí chiến lược, mà cả các vũ khí hạt nhân không chiến lược và không được triển khai. Chính quyền Mỹ cũng cam kết sẽ theo đuổi các cuộc đối thoại cấp cao với Matxcơva và Bắc Kinh để thúc đẩy sự ổn định và minh bạch.

Báo cáo của Tổng thống Mỹ không tuyên bố sự răn đe tấn công hạt nhân là mục tiêu duy nhất của kho vũ khí hạt nhân Mỹ và không từ bỏ phương án lựa chọn tấn công trước, như những người ủng hộ kiểm soát vũ khí đã hy vọng. Nhưng chính sách mới đã vạch ra một mục tiêu lâu dài hơn để biến răn đe trở thành mục tiêu duy nhất của vũ khí nguyên tử Mỹ.

Tài liệu tuyên bố rằng, Mỹ sẽ tăng cường các nỗ lực để giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia, trong khi tăng cường khả năng tác chiến của các vũ khí thông thường.

Chính quyền của Tổng thống Obama cam kết không tiến hành thêm bất kỳ vụ thử hạt nhân mới nào và tìm cách để Quốc hội Mỹ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT). Hiệp ước này đã bị Thượng viện Mỹ bác bỏ trong những năm 1990.

Hồng Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *