Bên bờ hạnh phúc

80% lượng trái cây chỉ để bán trong nước. Cơ hội ngay trên sân nhà của Việt Nam rất lớn nhờ dân số đông, mức tiêu dùng cao, hệ thống bán lẻ phát triển mạnh.

Ngày 20-4, trong khuôn khổ Festival trái cây tại Tiền Giang, hơn 500 khách mời trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo quốc tế: “Trái cây Việt Nam cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế”. Ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận trái cây Việt Nam hiện vẫn chưa có thương hiệu. Vì thế muốn cạnh tranh tốt trên thị trường nội địa và quốc tế, phải nâng cao chất lượng, xúc tiến hỗ trợ nông dân về mọi mặt…

Thị trường quốc tế khó tính

Việt Nam có nhiều loại trái tươi và trái cây chế biến xuất khẩu nhưng nhìn chung số lượng xuất khẩu chưa nhiều. Hiện trái cây Việt Nam xuất khẩu gặp phải những rào cản về chất lượng, an toàn thực phẩm; phải cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm với một số nước trong khu vực. Hơn 80% sản lượng trái cây vẫn để tiêu thụ nội địa.

Theo ông John Hey, Tổng Biên tập tạp chí Trái Cây Châu Á (Asiafruit), người tiêu dùng trái cây quốc tế rất khó tính. An toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu, tiêu chuẩn Global GAP là tiêu chuẩn tối thiểu. Trái cây phải có xuất xứ rõ ràng. Trái cây Việt Nam có cơ hội tiêu thụ ở thị trường châu Âu và Mỹ. Hàng xuất sang đấy sẽ bán có giá hơn nhưng phải tuân thủ tiêu chuẩn của thị trường rất nghiêm ngặt. Một điều kiện nữa là phải có khả năng cung cấp đủ số lượng và liên tục. Do vậy, Việt Nam nên liên kết thành lập các tổ chức sản xuất lớn hơn. Đồng thời, có hệ thống vận chuyển hàng hóa hiệu quả.

Muốn cho trái cây xuất ngoại thì nhà vườn phải đảm bảo rất nhiều điều kiện. Trong ảnh: Khách tham quan, mua sắm tại Festival trái cây. Ảnh: T.PHÚC

Ông John Hey nhấn mạnh: Việt Nam xuất khẩu thanh long, sầu riêng, nhãn, xoài… sang thị trường châu Á nhưng phải thông qua nhiều mối trung gian, giá thành cao. Cơ hội ngay trên sân nhà của Việt Nam lớn nhờ dân số đông, mức tiêu dùng cao, hệ thống bán lẻ phát triển mạnh. Vấn đề là nông dân canh tác nhỏ lẻ, trồng nhiều giống trên cùng một chủng loại nên rất khó tiêu thụ. Cần hợp tác lại để có diện tích cây trồng và sản lượng thu hoạch lớn. Nên trồng một số giống cây ăn trái đặc sản đồng nhất và nâng cao năng lực thực hiện Global GAP đối với nông dân.

Cần đầu tư cho mô hình hợp tác xã trái cây

Hiện tượng trúng mùa dội chợ của trái cây Việt Nam đã tạo ra một tâm lý chưa an tâm đối với nông dân. Tại hội thảo, các đại biểu đã bàn luận sôi nổi về tập quán canh tác nhỏ lẻ, trồng vườn tạp với nhiều chủng loại cây. Cách làm này dẫn đến trái cây rất khó tiêu thụ. Nhưng để cải tạo, xóa sổ hết vườn tạp thì nông dân lại thiếu vốn. Nhà nước chưa có chính sách thỏa đáng cho nghề trồng vườn. Cụ thể như chưa mạnh dạn hỗ trợ vốn, giống cho nông dân xóa vườn tạp, đầu tư trồng vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, một số hợp tác xã (HTX) trái cây được hình thành những năm gần đây như HTX chuyên về trái bưởi, cam, xoài, thanh long… chỉ mới là một đầu mối thu mua rồi đóng gói bán nhanh. Những đơn vị này thiếu vốn đầu tư kho bảo quản lạnh để giữ trái cây tươi lâu hơn. Báo cáo về mô hình phát triển HTX trái cây kiểu mới ở Đài Loan của khoa Nghề vườn, Trường Đại học quốc gia Chiayi, Đài Loan là kinh nghiệm cần để các HTX trái cây Việt Nam tham khảo.

Mô hình một HTX tiêu thụ trái cây đúng tầm như một số nước và lãnh thổ Israel, Đài Loan… đối với Việt Nam vẫn còn là mơ ước. Trong điều kiện nông dân còn nghèo, vốn đầu tư xây dựng nhà kho, mua sắm trang thiết bị trữ lạnh, hỗ trợ cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm… vẫn là mơ ước khá xa vời.

Sau hai ngày diễn ra festival, hơn 60 gian hàng bán trái cây đã phục vụ người tiêu dùng cả trăm tấn trái cây các loại. Chủ lực vẫn là trái cây đến từ nhà vườn vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Tiền Giang, mặt hàng sầu riêng Ngũ Hiệp tiêu thụ mạnh nhất, kế đến là các loại xoài, bưởi, khóm, mãng cầu, thanh long, cam, quýt, bơ, chôm chôm… Có gần 50 chủng loại trái cây tại khu trưng bày, bán giảm giá 10%-20% so với giá bán ngoài thị trường.

Theo Pháp luật TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *