Bên bờ hạnh phúc

Phó Chánh văn phòng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Từ Quang Minh đề xuất Quốc hội lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ cử tri.

Ý kiến của ông Minh được nêu tại Hội nghị hướng dẫn và trao đổi kinh nghiệm tham mưu, phục vụ trong công tác dân nguyện do Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 23 – 24/7 tại TP.HCM.

Lúng túng phân loại kiến nghị của cử tri

Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện Hà Công Long, thời gian qua, công tác tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đã từng bước được nâng cao và ngày càng có chất lượng. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đã phần nào phản ánh được tâm tư nguyện vọng của cử tri.

tiep-xuc-cu-tri.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp xúc với cử tri quận 3, TP.HCM. Ảnh: ĐQ

“Tuy nhiên, việc phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở địa phương và trung ương đôi khí còn lúng túng, chưa chính xác”, ông Long nói.

Theo Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, đây là một vấn đề có thật vì đại biểu "quá tin vào ghi chép của thư ký hoặc cán bộ, chuyên viên của mình mà không hề kiểm tra. Nó trắng, đen, hay dở thế nào, đại biểu không hề biết".

Vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Lưu, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, nằm ngay ở khâu chọn thư ký. Bởi vì thư ký không chỉ là ghi chép những ý kiến, kiến nghị của cử tri một cách máy móc, mà đòi hỏi phải tập hợp đầy đủ, chính xác, khách quan những kiến nghị chính đáng của cử tri.

Còn theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Đào Xuân Nay, khâu ghi chép là công việc đầu tiên nhưng rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến kết quả giải quyết của các cơ quan thẩm quyền sau này.

“Không chỉ thư ký, mà cán bộ, chuyên viên của văn phòng đoàn ĐBQH phải là người có năng lực, trình độ chuyên môn sâu, nắm vững luật pháp, chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương. Đồng thời cũng còn phải có kỹ năng tập hợp, tổng hợp, phân loại đúng lĩnh vực”, ông Nay nói.

Chế tài xử lý

Phó Chánh văn phòng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Từ Quang Minh cho rằng, cần đa dạng hóa hình thức tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội. “Quốc hội nên nghiên cứu, thành lập đường dây nóng để ĐBQH, đoàn ĐBQH tiếp nhận thông tin từ cử tri, nhất là trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội”, ông Minh đề xuất.

Đồng quan điểm, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Lưu cũng cho rằng, cần thường xuyên đổi mới phương thức, hình thức tiếp xúc cử tri để mang lại hiệu quả cao hơn. Ngoài việc tiếp xúc cử tri theo thông thường, việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, nơi cư trú, nơi làm việc… rất quan trọng.

Ngoài ra, ông Lưu cũng phản ánh việc các ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được quan tâm đúng mức, đúng tâm tư nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhiều sở, ngành cấp tỉnh còn trả lời kiến nghị một cách chung chung, chậm trễ.

“Cần có chế tài xử lý các cơ quan, đơn vị không giải quyết các kiến nghị của cử tri đúng quy định. Đồng thời, quy định thời hạn cụ thể về trả lời kiến nghị đối với các cơ quan hữu quan”, ông Lưu kiến nghị.

Vấn đề này, theo Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, quy trách nhiệm cho ai là rất khó, ví dụ như vấn đề xuất khẩu gạo, cứ tưởng trách nhiệm thuộc về Bộ Nông nghiệp, nhưng thực chất nó còn liên quan đến nhiều bộ, ngành khác. Hay như vệ sinh an toàn thực phẩm, đâu chỉ là trách nhiệm của Bộ Y tế.

“Cần xây dựng một quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành”, ông Vượng nói.

Theo Đoàn Quý (VietNamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *