Bên bờ hạnh phúc

Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu kể lại chuyện tình trong chiến tranh

Dứt lời, bà Châu nghẹn ngào lau nước mắt. Chồng bà, ông Lê Hồng Tư, nhẹ nhàng đưa cho vợ chiếc khăn tay. Hình ảnh ấy tại buổi gặp gỡ, giao lưu cựu tù do Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM tổ chức sáng 16-6 nhân kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam (28-6) đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

 

 
Chuyện tình của người tử tù

 

Bà Huỳnh Thị Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Pho Bí thư Thành ủy TPHCM:

 

 

Tiếp thêm niềm tin, nghị lực

 

 

280 đôi vợ chồng cựu tù, 400 cựu tù chính trị và tù binh cùng 800 thanh niên công nhân đã có mặt để lắng nghe những câu chuyện cảm động về hạnh phúc, tình yêu… Mỗi câu chuyện có thật của những đôi vợ chồng cựu tù là một huyền thoại về tình yêu đôi lứa gắn chặt với tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc.
 
Chính tình yêu cao đẹp đó đã giúp họ có thêm nghị lực đấu tranh, niềm tin chiến thắng. Những câu chuyện tình yêu này có thể chúng ta nghe một lần nhưng mỗi lần nghe lại đều trào dâng những cảm xúc hết sức lắng đọng.

 

 

Chúng ta cần truyền lại những câu chuyện tình yêu này cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập về lòng kiên trung, tình yêu son sắt, thủy chung, hy sinh vì nhau, vì quê hương, Tổ quốc của thế hệ cha ông.

 

Ông  Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu hoạt động cách mạng trong phong trào sinh viên, học sinh Sài Gòn từ giữa những năm 1950. Mến nhau vì có chung lý tưởng nhưng khi ông Tư tỏ tình, bà Châu từ chối. “Không phải tôi không thương ảnh mà vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cha mất sớm, tôi đã hứa phải chăm sóc cho đứa em còn nhỏ.
 
Hơn nữa, tôi muốn cống hiến hết mình để cách mạng sớm thành công”- bà Châu tâm sự. Sáu tháng sau, ông Tư nhận được lệnh chuyển công tác đến địa bàn khác, ông lấy hết can đảm hẹn gặp bà Châu lần nữa. Ông Tư kể: “Hôm ấy tôi hỏi mà cô Châu chỉ im lặng. Cuối cùng tôi nói dứt khoát, chừng nào còn sống trên đời này, tôi còn giữ ý định kết hôn với cô Châu. Rồi tôi ra đi…”.

 

 

Năm 1961, ông Tư bị địch bắt, kết án tử hình và đày ra Côn Đảo chờ ngày hành quyết. Lúc đó, bà Châu cũng đã bị địch bắt. Ở trong tù, nghe tin dữ của ông Tư, bà Châu đau đớn vô cùng. Rồi xảy ra việc hộp thư trong tù bị lộ, bà Châu bị địch tra tấn gần chết.
 
Giữa lúc sự sống và cái chết kề cận, bà nhớ ông da diết và quyết nhờ người chuyển lời ra Côn Đảo cho ông. Hai năm sau, ngoài Côn Đảo, ông Tư nhận được lời chấp thuận của bà. Ông xúc động kể: “Điều đó cho tôi sức mạnh để chiến thắng bao đòn roi tra tấn của kẻ thù. Trong niềm tin tất thắng của cách mạng, tôi còn có một niềm tin mãnh liệt vào tình yêu của người vợ hứa hôn”.

 

 

Năm 1975, cách mạng toàn thắng. Từ địa ngục trần gian Côn Đảo, ông Tư trở về. Họ gặp lại nhau. Bao nhiêu nhớ thương dồn nén bấy lâu mới có dịp giãi bày. “Sự thủy chung, son sắt dù trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt là niềm tự hào, là keo sơn gắn kết chúng tôi trong đời sống vợ chồng sau này, là tấm gương giáo dục về tình yêu cho con cái”- ông Tư chia sẻ.

 

 

Trọn vẹn nghĩa tình

 

 

Câu chuyện của hai cựu tù Trần Huyền Hương và Trần Thanh Tâm cũng là một bài ca thật đẹp về tình yêu thủy chung, son sắt. Tham gia cách mạng, bị bắt, tù đày, bặt tin nhau 12 năm, họ vẫn tin tưởng, đợi chờ. Bà Hương kể: “Hồi mới quen nhau, anh mua tặng tôi khúc vải và dặn may áo mặc để nhớ đến anh. Bị bắt vô tù, tôi vẫn mặc chiếc áo ấy.
 
Địch đánh rách áo, tôi lại lấy những chỗ còn nguyên để may thành một chiếc túi có thêu bức tranh hòa bình. Ngày ngày tôi nhìn chiếc túi, mong đến ngày chiến thắng để được gặp lại anh”. Sau ngày hòa bình, họ nên chồng vợ. Nhưng rồi bà lại bị bệnh rất nặng. Ông đã hai lần bán nhà để chữa bệnh cho vợ. Bà xúc động nhìn chồng: “Một năm 12 tháng thì hết 9 tháng tôi nằm viện, 3 tháng còn lại là thời gian chuyển viện. Một mình ảnh lo nấu nướng, giặt giũ cho tôi và con. Tình yêu thương, sự ân cần của ảnh động viên tôi chiến đấu với bệnh tật cho đến ngày hôm nay”.

 

 

Không chỉ là biểu tượng của tình yêu giản dị mà sâu sắc, thủy chung trong chiến tranh, các đôi vợ chồng cựu tù tại buổi giao lưu còn là tấm gương về sự bền bỉ giúp nhau vượt qua khó khăn, sóng gió của cuộc sống gia đình.

 

 

Bầu không khí bỗng lắng lại khi nữ cựu tù Trương Thị Thu tâm sự về “cuộc chiến giữa thời bình” để gìn giữ người chồng, người cha trong gia đình. “Khi biết chồng mình vướng víu tình cảm với người phụ nữ khác, tôi khổ tâm vô cùng nhưng quyết bảo vệ danh dự cho chồng, cho các con.
 
Cấp trên đề nghị kỷ luật tôi vì không chịu đứng ra tố giác chồng, tôi vẫn chấp nhận. Tôi nghĩ là con người, không ai không từng lầm lỗi. Chúng tôi đã từng vào sinh ra tử mà vẫn giữ vẹn tình yêu thì không dễ gì đánh mất bởi những cám dỗ đời thường”. Chính nhờ điều đó mà ông đã quay về và yêu thương gia đình, vợ con nhiều hơn.
Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *