Bên bờ hạnh phúc

Từ thủ đô Tokyo, Nhật Bản, tin vui đội tuyển Robocon SPK-Night, đại điện Việt Nam, giành vị trí thứ 3 trong cuộc thi quốc tế sáng tạo robot Châu Á-Thái Bình Dương, ABU Robocon 2009, về tới Việt Nam giữa buổi chiều 22/8, ngay sau khi cuộc thi kết thúc.

Dễ dàng vượt qua đổi tuyển Fiji, rồi Nhật Bản 2, robot của SPK-Night chỉ bắt đầu gặp khó khăn khi tiếp đối thủ được cho là xứng tầm, đội tuyển Indonesia. Sau một trận giằng co quyết liệt, cuối cùng, đội tuyển Robocon Việt Nam cũng vượt qua đối thủ với cách biệt 2 giây mong manh.

Hình ảnh thi đấu tại ABU Robocon 2009, ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, chiều 22/8

Thách thức thực sự đến khi đội tuyển Việt Nam gặp Trung Quốc, đội liên tiếp vô địch 2 giải gần đây. Đội tuyển Việt Nam phải đứng trước 2 lựa chọn: sử dụng chiến thuật tốc độ đầy rủi ro hay sẽ cố gắng giành thành tích cao nhất có thể nhưng an toàn?

“Trước trận đấu, robot của đội gặp một một số trục trặc kỹ thuật và đã nhận được sự giúp đỡ của đội tuyển Nhật Bản đến từ trường ĐH Công nghệ Toyohashi. Vì trục trặc này, đội đã quyết định sử dụng giải pháp an toàn, cũng là để trình diễn kỹ thuật lập trình và cơ khí chính xác”, chỉ đạo viên của đội SPK-NIGHT, thầy Nguyễn Đức Sâm cho biết

Đội tuyển Trung Quốc với cả hai robot tự động và bằng tay đã hoạt động rất nhanh, chính xác với thành tích kỷ lục 18 giây, loại đội tuyển Việt Nam. Đây cũng là thành tích cao nhất trong các trận đấu mà đội tuyển Trung Quốc từng đạt được. Sau đó, chính đội tuyển Trung Quốc vượt qua đội Hồng Kông để trở thành nhà tân vô địch, lần thứ 3 liên tiếp.

“Nếu không có trục trặc với robot trước trận đấu này, đội tuyển SPK-NIGHT cũng có thể lựa chọn giải pháp ưu tiên tốc độ thì thành tích tối đa có thể đạt được là khoảng 18-19 giây”, đội trưởng SPK–NIGHT chia sẻ.

Dù phải dừng bước ở bán kết, nhưng thành tích của đội tuyển Việt Nam cũng khiến các đội tuyển bạn nể phục: hơn đội á quân Hông Kông 3 giây, hơn Nhật Bản 1, đội đồng hạng ba, 4 giây.

Cao Thế Phong, cựu thành viên đội Robocon ĐH Bách Khoa Hà Nội, đội đại điện Việt Nam tham dự ABU Robocon năm 2005, là một trong những người đầu tiên nhận tin vui từ Nhật.

“Giành vị trí thứ 3 là thành tích đáng tự hào”, anh Phong nhận xét. “Thể thức thi đấu của các cuộc thi Robocon ngày càng hạn chế các kỹ thuật thiên về “tiểu xảo” như ném bóng, gắp đồ vật… mà đòi hỏi thực sự phải có nền tảng công nghệ tốt. Đây không phải là thế mạnh của Việt Nam”.

“Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có thể tự hào vì đây là lần đầu họ đại diện Việt Nam đi thi đấu quốc tế”, anh Phong cho biết thêm.

Cùng ngày, Nhật Bản đã chuyển giao quyền đăng cai cuộc thi ABU Robocon 2010 cho Ai Cập. Chủ đề và luật thi của năm tới có tên gọi “Robocon Pharaoh”.

Theo Dân trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *