Bên bờ hạnh phúc
Ông Vũ Đức Đam

 Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tháng 9/2011 chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,82% – mức tăng thấp nhất từ đầu năm và là tháng thứ 2 có chỉ số CPI dưới 1%.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2011 tổ chức chiều nay (26/9), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, phiên họp thường kỳ tháng 9/2011 trong hai ngày 25-26/9, Chính phủ đã thống nhất đánh giá, 9 tháng đầu năm 2011 nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đã đạt được kết quả tích cực bước đầu.

Theo đó, lạm phát đang giảm dần, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2011 tăng 0,82%, là mức tăng thấp nhất từ đầu năm và là tháng thứ 2 có chỉ số CPI dưới 1%. 

Chỉ số CPI tháng 9/2011 so với tháng 12/2010 tăng 16,63%, so với cùng kỳ năm trước tăng 22,42%. Tính bình quân chỉ số CPI 9 tháng năm 2011 tăng 18,16% so với cùng kỳ năm 2010. Lạm phát cơ bản loại trừ nhóm lương thực, thực phẩm tháng 9/2011 so với tháng 12/2010 tăng 13,81%, loại trừ thêm nhóm năng lượng tăng 12,47%. 

Cùng với đó, thu ngân sách 9 tháng so với dự toán năm bằng 78,5%, chi bằng 70,5%, ước cả năm bội chi (4,5%) có thể giảm so với kế hoạch (5,3%).

Chính phủ cũng nhìn nhận, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và so với kế hoạch đề ra, đạt 35,4%. Tỷ lệ nhập siêu 9 tháng gần 9,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra (không quá 16%).

Các chỉ số nợ quốc gia đều trong giới hạn an toàn. Tăng trưởng GDP quý sau tăng hơn quý trước, 9 tháng đạt 5,76%. Chính phủ nhận định tuy tăng GDP thấp hơn cùng kỳ năm 2010 (6,52%) nhưng trong khó khăn tập trung ưu tiên cho ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì đây là một cố gắng lớn.

Cùng với các chỉ số tích cực về kinh tế, về văn hóa xã hội, các chính sach an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo vẫn được triển khai quyết liệt trong điều kiện lạm phát tăng cao. Các lĩnh vực phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được quan tâm và cũng có những kết quả tốt.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế thế giới đứng trước những khó khăn, thách thức lớn tác động tiêu cực đến nước ta.

Trong nước, nền kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, lạm phát còn ở mức cao, sản xuất kinh doanh còn ách tắc không ít, hàng tồn kho còn nhiều. Đời sống nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu vùng xa còn khó khăn, thiên tai dịch bệnh còn tiềm ẩn gây nhiều thiệt hại. Tai nạn giao thông còn cao, tệ nạn xã hội còn nhiều bức xúc…

Trước tình hình này, Chính phủ yêu cầu trong những tháng cuối năm các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu qủa các nhóm giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 11/NQ-CP. Phấn đấu giữ mục tiêu giữ lạm phát ở mức 18%, tiếp tục điều hành chính sach tài chính – tiền tệ chặt chẽ, tăng dự trữ ngoại hối, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng.

Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, kịp thời cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống cho nhân dân. Tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia hướng đến vùng nghèo, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Tiếp tục làm tốt cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo phòng chống tham nhũng…

Thực hiện nghiêm cắt giảm đầu tư công chống lạm phát

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, Chính phủ thống nhất nhận định lạm phát ở nước ta thời gian qua so với nhiều nước còn ở mức cao và kéo dài, nguyên nhân chủ yếu là cầu kéo (tổng mức đầu tư vượt quá tiết kiệm, tín dụng, tổng phương tiện thanh toán tăng nhanh…). Theo đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo nhiều giải pháp khắc phục nhưng tình hình vẫn có nhiều diễn biến phức tạp.

Theo đó, thời gian tới phải kiên định chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ, điều phối lượng tiền tín dụng hợp lý trong cả năm. Thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm đầu tư công, giảm chi thường xuyên và giảm bội chi ngân sách.

Đồng thời, củng cố niềm tin của công chúng và VNĐ bằng việc minh bạch chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền , tiếp tục lộ trình xóa bỏ tình trạng vàng hóa, đô la hóa, kiểm soát thị trường giá cả, lựa chọn lộ trình thực hiện giá thị trường…

Về lâu dài, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm soát tổng cầu và kiểm soát cung ứng tiền cho nền kinh tế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế (tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc hệ thống tài chính tiền tệ). Khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, tăng cường phân tích, dự báo, tuyên truyền…

Cũng tại buổi họp báo chiều nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nhận định, giá vàng có sự biến động trong những ngày qua, chênh lệch giữa trong nước và thế giới tương đối lớn.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân bình tĩnh để không mất tiền, không cần thiết phải huy động công của cho hoạt động mua bán vàng.

Cùng với đó, Nghị định về quản lý vàng hiện đã có ý kiến của Bộ Tư pháp và sẽ nghiên cứu tiếp thu chỉnh sửa để trình Chính phủ trong tuần này.

 

 

Theo Kiều Minh (VTC News)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *