Bên bờ hạnh phúc

Chỉ cần tiếp cận, nhìn vào cách nấu nướng, ăn uống của một đất nước, một dân tộc, một gia đình là ta có thể đánh giá về trình độ dân trí, trình độ văn hóa của đất nước, dân tộc, gia đình ấy.

Tôi năm nay tròn 60 xuân. Bố tôi hơn tôi 20 tuổi và ông cụ vừa mất được hai tháng… Thế mà mỗi khi ngồi vào mâm cơm, vào bàn tiệc là bên tai tôi lại văng vẳng lời nhắc nhở, bảo ban của cụ thuở tôi mới tập cầm đũa, được ngồi vào mâm ăn cùng ông bà, bố mẹ, anh chị.

– Con ơi, ngồi phải xếp bằng tròn hẳn hoi, cách mâm ba gang (ba gang tay trẻ con), cầm phía trên 2/3 đôi đũa. Khi gắp rau nên gắp 2 – 3 ngọn. Khi gắp thịt thì gắp một miếng, nhằm miếng nào gắp đúng miếng ấy, nên gắp miếng nhỏ hoặc vừa (trẻ em thường ăn tham, thích gắp miếng to). Khi chấm chỉ chấm 1/3 miếng thịt hoặc gắp rau vào nước chấm chứ không nên thả dầm cả xuống, không nên lật đi lật lại miếng thịt hoặc món rau trong bát nước chấm. Thức ăn phải gắp lên bát rồi mới từ từ đưa lên miệng, to thì phải cắn nhỏ, nhỏ thì và cùng với cơm và nhai từ từ, nuốt từ từ. Tối kỵ không được gắp thức ăn bỏ “tõm” ngay vào miệng, rồi nhai rau ráu hay tồm tộp, nuốt ừng ực, không đẹp chút nào.

Ngồi vào mâm, không nên chỉ có bốn miếng giò mình lại gắp hai. “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, mình là con cháu phải nhường ông bà, cha mẹ, anh chị gắp trước và thường thì người trên bao giờ cũng gắp “ban” cho người dưới trước, nhất là các cháu bé. Món rau, món xào nên là những món đụng đũa trước.

Khi ăn uống nên mời mọc ân cần, nói chuyện điểm xuyết để tạo một không khí vui tươi, hứng khởi trong bữa ăn. “Học ăn, học nói” là vậy.

Con ạ! Khi đến một xứ lạ, ngồi vào một bàn tiệc lạ… thì mình cứ từ từ “liếc” xem người ta làm gì thì mình lựa mà bắt chước làm theo, thử một vài lần sẽ quen và hòa nhập được. Trước lạ sau quen là thế, thích ứng là vậy.

“Dốt thì phải học, không biết phải tìm hiểu để biết. Không bao giờ được tự mãn, tự phụ, coi thường người khác”. Đó là lời bố tôi dặn tôi khi tôi thoát ly đi công tác.

Sau này lớn lên, được đi công tác, sống ở nhiều vùng, nhiều nước, tiếp cận với nhiều dân tộc… tôi thấy cách ăn uống cũng không phải là việc có thể coi nhẹ được. Ăn uống có văn hóa cũng là kết tinh của nền văn hóa từng dân tộc. Tôi cũng hiểu, cha ông ta đã có một bề dày phong phú về một nền văn hóa ăn uống.

Nguyễn Khôi – T/c Văn hóa nghệ thuật ăn uống, 1998

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *