Bên bờ hạnh phúc

Rượu không thể thiếu trong những ngày Tết, đó là điều mà ai cũng biết. Bởi vì, nó là thói quen, là phong tục của chúng ta. Nhưng dùng rượu như thế nào lại là chuyện khác.

 

Ảnh minh họa

 

Bản chất của rượu

 

Ở Việt Nam có nhiều loại rượu nhưng nói chung có 3 loại chính: rượu ngoại, rượu xí nghiệp và rượu tự nấu hoặc tự pha chế.

Hai loại rượu ngoại và rượu xí nghiệp có thể có tính chất an toàn hơn vì sản xuất theo công nghệ đảm bảo cho nên đã loại bỏ được một số các chất độc hại: andehyt axetic, ethyl axetat, axít axetic… nhưng các loại rượu tự nấu là các loại hay dùng nhất ở Việt Nam như rượu nếp, rượu gạo, rượu sắn, rượu đế… lại không có điều kiện để loại bỏ các chất độc hại cho cơ thể.

Trong các loại rượu “tự biên, tự diễn”, đáng lưu ý là các loại rượu tự pha chế bởi vì chúng rất nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng mà thời gian qua báo chí đã đề cập nhiều.

Ảnh hưởng do rượu như thế nào?

Khi uống, rượu sẽ ngấm vào máu và đến các cơ quan trong cơ thể gây kích thích làm tăng hoạt động. Rượu sẽ làm cho tim đập nhanh hơn, thở nhanh hơn và sảng khoái hơn, nhưng khi lượng rượu vào máu quá mức và dồn dập nhất là rượu tự nấu và tự pha chế sẽ có tác dụng ngược lại.

Một số bệnh sẽ tăng lên khi uống rượu: tăng huyết áp, mạch vành, dạ dày, dị ứng (hen phế quản, viêm da dị ứng…), gan (viêm gan A, B, C cấp tính và mạn tính).

Lý do là rượu sẽ kích thích hệ thần kinh, nhất là thần kinh thực vật làm cho bệnh xuất hiện đợt cấp tính hoặc có thể gây ra biến chứng nguy hiểm khó lường như tai biến mạch máu não, đột quỵ, ngộ độc rượu, ngộ độc thần kinh, loạn thần. Nếu là rượu tự nấu hoặc tự pha chế do có nhiều chất độc hại và nồng độ cao thì sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.

Uống rượu trong dịp tết thế nào cho hợp lý?

Trong những ngày vui, nhất là Tết Nguyên đán, việc chúc tụng nhau thường kéo dài và lượng rượu được đưa vào máu cũng có tỉ lệ thuận với thời gian của các cuộc vui.

Vì vậy, trong dịp Tết nếu một người không có bệnh tật gì liên quan đến rượu hoặc rượu không làm bệnh tăng lên, cũng nên uống ở mức độ vừa phải nhằm mục đích vui xuân, đón tết là chính.

Mỗi bữa ăn cũng chỉ nên uống một vài chén (tách, ly) là vừa đủ. Với lượng rượu này vừa để kích thích ăn ngon hơn, vừa để có khí thế vui xuân để bước sang năm mới tràn đầy hy vọng. Không nên uống quá chén sẽ dẫn đến say (xỉn). Khi say tại bàn tiệc sẽ làm mất vui vì sẽ nói to, nói linh tinh, thậm chí chửi bậy, nói tục tĩu, tệ hại hơn có thể xảy ra đánh nhau gây án mạng.

Người say rượu nếu tham gia giao thông sẽ có nguy cơ gây tai nạn. Khi say xỉn, lúc về đến nhà có thể nôn mửa, mắng chửi người thân, hàng xóm một cách thậm tệ, thậm chí gây bạo hành trong gia đình.

Uống nhiều rượu có thể gây viêm dạ dày cấp tính, thậm chí gây xuất huyết dạ dày, đường tiêu hóa. Với người có bệnh mạn tính như hen phế quản, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, viêm gan mạn tính, xơ gan, bệnh viêm loét dạ dày – tá tàng, tăng mỡ máu, bệnh đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, dị ứng da…, uống rượu vào sẽ làm cho bệnh nặng thêm, thậm chí còn gây nguy kịch và biến chứng nguy hiểm cho tính mạng, nhất là bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch (thiểu năng mạch vành…).

Đón Tết là niềm vui của mọi người, từ già đến trẻ, khắp mọi miền của đất nước cũng như đồng bào xa xứ. Cho nên, mỗi lần nâng ly chúc phúc cho bạn bè, người thân về tương lai, danh vọng thì cũng tự chúc cho mình được trọn vẹn về mọi mặt, trong đó có sức khỏe là vô cùng quan trọng. Nếu được như vậy, chắc chắn không ai quá chén trong những ngày vui Tết, đón xuân về.

Nguồn: TS.BS Bùi Mai Hương / Sức Khoẻ Đời Sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *