Bên bờ hạnh phúc

Đất nước Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt. Vào mùa hè, thời tiết oi bức, để tránh nắng nóng gay gắt, nhà truyền thống của người Nhật được thiết kế có mái cao và làm bằng rơm. Đến mùa đông, để chống lại cái lạnh buốt giá, những loại lò sưởi bằng củi và than được sử dụng để làm ấm toàn bộ căn phòng, hoặc đơn giản chỉ để sưởi ấm tay, chân hay toàn thân.

Bàn sưởi ấm Kotatsu làm bằng gỗ, được phủ kín xung quanh bằng 1 tấm chăn dày, dưới mặt bàn nằm sâu dưới nền nhà là khoảng trống có lò sưởi. Để sưởi ấm đôi chân, người ta đốt than trong lò sưởi và ngồi đưa chân xuống khoảng trống gần lò sưởi. Người Nhật sử dụng lò Hibachi để nấu nước và có thể tận dụng hơi nóng để sưởi ấm đôi tay.

Bên cạnh những thiết bị sưởi ấm bằng than và củi, ở Nhật, người ta còn dùng những dụng cụ sưởi ấm bằng nước nóng và hoá chất rất độc đáo, gọi là Yutanbo và Kairo.
Bình nước nóng Yutanbo được du nhập từ Trung Quốc vào thời Muromachi, thế kỷ 16, trong khi đó, những thiết bị giữ ấm bỏ túi Kairo ra đời vào thế kỷ 12, là sản phẩm đặc thù của người Nhật.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bình nước nóng và thiết bị giữ ấm bỏ túi đủ kích cỡ, kiểu dáng và chất liệu đáp ứng mục đích sử dụng khác nhau. Đối với bình nước nóng giữ ấm bằng thiếc, khi sử dụng, người ta châm nước nóng ở nhiệt độ từ 60 đến 70 độ C vào 2/3 bình. Đóng nắp bình lại ngay sau đó để nhiệt không thoát ra ngoài. Lúc này, vỏ bình rất nóng. Sức nóng của nó tựa như một lò sưởi. Để giữ nhiệt được lâu và tránh bị phỏng cho người sử dụng khi tiếp xúc trực tiếp, bình nước nóng Yutanbo được cho vào một chiếc túi vải dày. Bình nước nóng thường được người Nhật đặt bên trong chăn, ở gần chân lúc ngủ để giữ ấm cho đôi chân. 

Miếng thiếc dùng để tạo thành một chiếc bình Yutanbo có độ dày 5 mm. Nó không quá dày, do đó, nhiệt dễ dàng truyền qua thành bình ra bên ngoài. Bình có hình oval, toàn bộ phần thân bình được thiết kế dạng gợn sóng, mục đích là giúp nhiệt phân tán ra ngoài một cách tốt nhất. Ngoài ra, kiểu thiết kế gợn sóng này còn ngăn chặn vỏ bình biến dạng trong quá trình giãn nở của kim loại khi người ta dùng nó để đun nước trực tiếp trên bếp lửa.

Ngày xưa, bình Yutanbo có nhiều công dụng, nhà nào cũng có ít nhất 1 cái, hiện nay, tuy bị lấn át bởi thiết bị sưởi ấm bằng điện nhưng Yutanbo kim loại vẫn không vì thế mà biến mất khỏi cuộc sống của người Nhật.

Ngoài chức năng chính là để sưởi ấm, Yutanbo còn được người Nhật dùng vào những việc khác. Một số các bà nội trợ đã sử dụng bình nước nóng Yutanbo để làm lên men món đậu nành Natto, một món ăn truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản. Để Natto lên men hoàn hảo, trong suốt quá trình ủ kéo dài trên 8 ngày, người ta phải đảm bảo nhiệt độ nơi ủ luôn duy trì ở mức 40 độ C. Bình nước nóng Yutanbo có thể làm tốt điều đó.

Gần đây, bình nhựa Yutanbo nhiều màu sắc đã được dùng rộng rãi để thay thế bình kim loại. Bình nhựa có nhiều lợi thế, nó cách nhiệt tốt nên người sử dụng có thể cầm trực tiếp trên thân bình. Bình được thiết kế nhiều kiểu dáng, nhỏ gọn thích hợp để mang theo bên mình.

Nhờ những ưu điểm đó, bình nhựa Yutanbo đã thoát ra khỏi tấm chăn truyền thống, nó trở thành vật sưởi ấm di động có mặt trong mọi sinh hoạt hàng ngày, thậm chí người ta còn mang nó đến văn phòng làm việc.

Do nhu cầu của người tiêu dùng, ngày nay, kiểu dáng Yutanbo được cải tiến mạnh mẽ, không đơn thuần là những chiếc bình kim loại hình ovan tẻ nhạt. Vẫn là dụng cụ trữ nước nóng làm ấm cơ thể nhưng Yutanbo cải tiến được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau nhằm tạo sự linh hoạt. Ví dụ chiếc Yutanbo mềm mại được chế tạo từ cao su dẻo, bên ngoài bọc vải, kiểu dáng của nó dựa trên hình thể của con người. Nó giống như chiếc khăn quàng cổ, hơi ấm thoát ra từ Yutanbo quàng cổ giúp vai và cổ của người sử dụng nhanh chóng loại trừ những cơn đau mỏi, máu lưu thông dễ dàng. Yutanbo giày tạo cảm giác ấm áp và dễ chịu cho đôi chân.

Kiểu Yutanbo đệm lót là lựa chọn tốt nhất cho giới nhân viên văn phòng hoặc những ai suốt ngày không rời khỏi chiếc ghế ngồi. Yutanbo được thiết kế giống như chiếc bàn tọa, khi cần sử dụng người ta rót nước nóng vào Yutanbo, bọc vải lại và ngồi trực tiếp lên. Công dụng của Yutanbo đệm lót được cho là giúp tuần hoàn máu.

Ngoài thiết bị giữ ấm bằng nước nóng Yutanbo, ở Nhật còn thịnh hành những thiết bị giữ ấm di động nhỏ gọn Kairo.

Kairo được đốt nóng từ từ bằng công nghệ sử dụng bạch kim làm chất xúc tác hoặc đốt bằng nhiên liệu. Hơi ấm của nó kéo dài nhiều giờ, người sử dụng có thể bỏ Kairo vào túi áo để sưởi ấm suốt ngày. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại miếng dán giữ ấm Kairo. Tùy vào chất liệu ứng dụng mà thời gian giữ ấm của miếng dán dài ngắn khác nhau.

Miếng dán Kairo thường có thành phần là bột sắt, cellulose, nước, than hoạt tính và muối. Chúng toả nhiệt thông qua quá trình oxy hoá sắt khi tiếp xúc với không khí. Lượng nhiệt toả ra từ những miếng dán giữ ấm Kairo kéo dài từ 1 đến 10 tiếng đồng hồ tuỳ loại. Người ta thường dùng chúng để dán trên vai.

Miếng dán Kairo thường có thành phần là bột sắt, cellulose, nước, than hoạt tính và muối

Kairo là thiết bị giữ ấm hữu dụng của người Nhật vào mùa đông. Cần lưu ý là không dán trực tiếp Kairo trên da vì chúng có thể gây phỏng. Những ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới đã tạo nên hàng loạt thiết bị giữ ấm giúp cuộc sống của người Nhật trở nên thoải mái, thuận tiện hơn.

Di vật có niên đại từ thời Kamakura, cuối thế kỷ thứ 12 được gọi là phiến đá giữ ấm. Giới nghiên cứu cho rằng, người xưa đã dùng đá nung trong lửa để lưu nhiệt, sau đó gói chúng lại và đặt trong chăn để giữ ấm vào ban đêm. Đá giữ ấm là hình thức sơ khai của thiết bị giữ ấm bỏ túi Kairo.

Kairo năng lượng mặt trời

Những chiếc Kairo có kiểu dáng hiện nay được cho là sự cải tiến từ một dạng Kairo ra đời vào giữa thời Edo. Đó là chiếc hộp làm bằng vàng, thân hộp vẽ hoa văn đẹp mắt. Quý tộc Edo dùng chiếc hộp này để đốt diêm tiêu sưởi ấm mang theo bên mình. Diêm tiêu là nhiên liệu hiếm nên Kairo vào thời này chỉ phổ biến trong giới thượng lưu.
Kairo có hình như chiếc bật lửa Zippo ngày nay được người Nhật phát minh vào thời Taisho, đầu thế kỷ 20.

Nó được tạo ra từ công nghệ sử dụng bạch kim làm chất xúc tác. Nhiệt tạo ra từ công nghệ này không quá cao và kéo dài rất lâu, có thể từ 12 đến 24 giờ đồng hồ. Vì vậy Kairo sử dụng bạch kim làm chất xúc tác là vật giữ ấm rất an toàn, hiệu quả và tiện dụng.

Ngày xưa, mỗi binh sỹ Nhật Bản được cấp một chiếc kairo như thứ quân dụng không thể thiếu giúp họ chống chọi cái lạnh.

Về lịch sử của bình nước nóng giữ ấm Yutanbo, nó được cho là du nhập từ Trung Quốc đến Nhật vào thời Muromachi. Yutanbo vào thời đó được làm bằng đồng. Trong thời gian đầu, do số lượng giới hạn và được làm từ kim loại quý nên thiết bị giữ ấm bằng nước nóng này là vật dụng giá trị, giới bình dân không có khả năng sở hữu.

Chiếc Yutanbo bằng đồng từng được tướng quân Tokugawa sử dụng có hình dáng chú chó ngộ nghĩnh. Miệng bình được giấu dưới tai trái của chú chó. Với thiết kế này, Yutanbo vừa là bình nước nóng giữ ấm vừa là vật trang trí.

Yutanbo làm bằng gốm sứ

Đến thời Edo, những chiếc bình Yutanbo bằng gốm sứ ra đời, giá của chúng rẻ hơn nhiều so với bình kim loại. Từ đó, bình giữ ấm Yutanbo bắt đầu phổ biến ra dân chúng. Cũng vào thời kỳ này, thói quen đặt những chiếc bình Yutanbo ấm áp bên trong lớp chăn dày vào mùa đông được hình thành.

Đầu thế kỷ thứ 20, thời Taisho, loại bình nước nóng giữ ấm làm bằng kẽm xuất hiện. Ưu điểm của loại bình này là rẻ tiền, bền và nhẹ so với bình gốm nên thị trường rất ưa chuộng.

Sự cải tiến mẫu mã và nguyên liệu đối với dòng sản phẩm Yutanbo tiếp tục diễn ra mạnh mẽ sau đó. Thập niên 1940, loại bình Yutanbo bằng thiếc, hình oval xuất xưởng và được chào đón nồng nhiệt. Kiểu dáng đó được duy trì đến tận ngày nay.

Vào thập niên 1940, sức tiêu thụ loại bình này tại thị trường Nhật Bản rất lớn, mỗi năm có hơn 1 triệu chiếc bình Yutanbo thiếc được bán ra.

Bình giữ ấm Yutanbo từng là vật bất ly thân của binh sỹ Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới Thứ 2. Nó được xem như một phần quân trang bắt buộc mà binh sỹ phải luôn mang theo bên mình khi hành quân. Yutanbo vừa là dụng cụ giữ ấm vừa dùng để đựng nước uống, nước sinh hoạt cá nhân.

Có một câu chuyện mà có lẽ ít người được biết đến về mối quan hệ giữa chiếc bình giữ ấm Yutanbo và ông Honda Soichiro, người sáng lập hãng Honda nổi tiếng Nhật Bản. Năm 1947, ông Soichiro cho ra mắt chiếc xe máy đầu tiên của hãng Honda có hình dáng của một chiếc xe đạp gắn động cơ chạy bằng nhiên liệu. Điểm đáng chú ý là ông Soichiro đã sử dụng chiếc bình Yutanbo để làm bình đựng xăng của xe. Mẫu xe này là sự khởi đầu để Honda vươn lên trở thành nhà sản xuất xe máy số 1 thế giới.

Gần 1 thế kỷ đã trôi qua kể từ khi chiếc bình Yutanbo hình oval ra đời. Ngày nay, cùng với hàng loạt thiết bị sưởi ấm tiên tiến khác, nó vẫn là một trong những lựa chọn của người tiêu dùng. Và trên hết, Yutanbo đã thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của dòng sản phẩm sơ khai du nhập từ Trung Quốc để trở thành vật đặc thù của Nhật Bản.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *