Bên bờ hạnh phúc

Kyoto là cố đô của Nhật Bản. Hiện nay, nơi này không hoàn toàn mang dáng dấp của một thành phố cổ xưa nữa nhưng âm thanh của nhiều ngành nghề truyền thống lâu đời vẫn còn vang vọng ở các khu phố. Nhịp điệu âm thanh của các ngành nghề truyền thống không ngừng phát triển qua nhiều thế kỉ và được truyền sang cho nhiều thế hệ sau ở Kyoto.

Thế kỉ XXI đã mang đến nhiều thay đổi cho cả thành phố cổ xưa Kyoto. Âm thanh của xe cộ, của các nhà máy có mặt khắp mọi nơi. Nhưng dù đi bất cứ nơi đâu trong thành phố, bạn đều có thể nghe được âm thanh pha trộn lẫn nhau của nhiều ngành nghề truyền thống. Nó đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Kyoto.

Vào kỳ nghỉ cuối năm, phần lớn phụ nữ ở Kyoto thường mặc trang phục truyền thống và sẵn sàng cho các nghi lễ thường niên ở đây. Họ kết hợp 7 loại thảo dược khác ngày thường để chế biến món cháo đặc biệt được gọi là Nanaksakaiyo. Khi bắt đầu băm thảo dược, họ cũng cất lên bài hát trừ khử những điều xấu. Nó luôn được hát theo nhịp dao chạm xuống thớt.

Những âm thanh của cuộc sống truyền thống mà chúng ta nghe ở các con hẻm của Kyoto đều có nhịp điệu rõ ràng. Thế nhưng, còn nhiều nguồn khác cũng tạo ra sự pha trộn âm thanh rất độc đáo trong thành phố. Đó là những âm thanh từ các xưởng đồ thủ công.

Một thợ chạm khắc kim loại phải dùng đến những cái đục để tạo ra nhiều mẫu thiết kế tinh vi, phức tạp. Khả năng sử dụng những cái đục khéo léo đã tạo ra nhiều âm thanh rất độc đáo. Nhịp điệu âm thanh của cái đục thực sự rất quan trọng. Nó có thể cho một người thợ biết động tác gõ vào cái đục sẽ tạo ra những điểm có phù hợp trên tấm kim loại hay không.

Cách đây khoảng 1.000 năm, giới quý tộc và quan lại ở Nhật rất thích hương trầm. Hiện nay, một số gia đình vẫn làm nhang trầm theo cách truyền thống và cung cấp sản phẩm của mình cho các ngôi đền chùa xung quanh thành phố Kyoto. Một người thợ giỏi có thể đoán được chất lượng mùi hương của gỗ trầm qua âm thanh chẻ gỗ và tách từng miếng gỗ nhỏ.

Nhịp điệu âm thanh của các ngành nghề truyền thống là một nốt lặng giữa một Kyoto hiện đại

 

Khi đến xưởng sản xuất đồ gốm, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột trên những sản phẩm vừa mới ra lò đã tạo ra những âm thanh răng rắc. Khi chế tác gốm, người thợ thường gõ nhẹ vào đáy chén để xem nó dày, mỏng ra sao. Âm thanh mà đất sét tạo ra thật sự rất quan trọng cho việc sản xuất đồ gồm. Nó được xem là một thứ ngôn ngữ của vật liệu.

Tại nhiều xưởng nghề truyền thống khác ở Kyoto, bạn thực sự bị hấp dẫn bởi những âm thanh có nhịp điệu thú vị khác nữa. Trong 4 thế kỉ qua, vùng Nishichi của thành phố Kyoto nổi tiếng với ngành công nghiệp dệt truyền thống. Ngành dệt Nishichi đã được hình thành bởi những xưởng dệt lụa và nhuộm vốn đã tạo ra nhiều mẫu hàng đẹp và độc đáo. Chính những phương pháp nhuộm truyền thống đã cho ra đời sự đa dạng của các màu sắc trên những mảnh lụa. Công việc này cũng đòi hỏi sự khéo léo của người thợ nhuộm. Âm thanh êm ái phát ra mỗi khi người thợ cuộn, bóp bó lụa đã cho thấy sợi tơ có chất lượng cao nhất.
 

Ông Kagaku Hosomi là một người thợ dệt, 86 tuổi và được chính phủ Nhật Bản công nhận là kho báu sống của quốc gia. Trong hơn 70 năm qua, ông vẫn tuân thủ theo kỹ thuật dệt được gọi là Sasugeori – phương pháp dệt hơn 300 năm tuổi. Sasugeori là một trong những loại hình nghệ thuật phức tạp nhất ở Nhật và hiện được gìn giữ để ngày càng phát triển hơn.

Mỗi ngành nghề đều có một nhịp điệu rất độc đáo. Tin rằng, qua thời gian, nhịp điệu của những âm thanh này sẽ trở thành một phần quan trọng của cố đô Kyoto. Hiện nay, khắp Kyoto là quang cảnh của thành phố hiện đại, thế nhưng, nếu hãy thử lắng nghe, bạn vẫn có thể nghe nhiều nhịp điệu cổ xưa thật hay và đầy màu sắc đã phát triển qua hơn 1.200 năm.

Minh Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *