Thị trấn Seki-gahara thuộc tỉnh Gifu từng là nơi diễn ra trận đại chiến mang tên “Thiên hạ phân tranh” cách đây 400 năm. Trận chiến này là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Nhật Bản, đánh dấu sự kết thúc thời kỳ Chiến quốc Sengoku.

Lúc bấy giờ, vũ khí chiến đấu trên chiến trường có sự thay đổi mạnh mẽ, cung tên và kiếm trở nên yếu thế trước vũ khí hiện đại. Một số lãnh chúa có tiềm lực kinh tế hùng hậu đã giao thương với phương Tây để mua súng và thuốc súng – vũ khí mới có tính sát thương cao, gây tổn thất lớn về nhân mạng so với các loại vũ khí truyền thống. Để hạn chế thương vong, các nhà điều binh Nhật Bản nghĩ ra giải pháp bảo vệ mới cho binh sỹ.

Một trong những bên tham chiến trong trận Seki-gahara là Toku-gawa Ie-yasu – nhân vật có công sáng lập và là vị tướng quân đầu tiên của chính quyền Mạc phủ Toku-gawa. Ông đã tìm ra cách bảo vệ cho binh sỹ trước sức mạnh của súng hỏa mai.

Toku-gawa Ie-yasu – nhân vật có công sáng lập và là vị tướng quân đầu tiên của chính quyền Mạc phủ Toku-gawa

 

Nửa năm trước khi xảy ra trận chiến Seki-gahara, Ie-yasu đã cho người đến Oi-ta – hòn đảo nhỏ nằm ở Đông Nam Nhật Bản – để mua bán vũ khí và thiết bị quân sự với tàu buôn Hà Lan. Một trong những loại quân nhu quan trọng mà Ie-yasu nhắm đến là những chiếc áo giáp sắt của phương Tây. Loại áo giáp này đã tạo nên cuộc cách mạng trong lịch sử phát triển áo giáp Nhật Bản vì chất liệu và thiết kế của chúng có thể chịu được lực tác động của viên đạn.

Ngay sau đó, Ie-yasu ra lệnh cho thợ rèn chế tạo hàng loạt áo giáp sắt theo kiểu phương Tây để chuẩn bị cho trận chiến quan trọng sắp tới. Đó cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của loại áo giáp mới trên chiến trường Nhật Bản. Người Nhật gọi nó là áo giáp Nan-ban. Điểm đáng chú ý của loại giáp bảo vệ này là có mặt nạ sắt. Ngoài ra, hầu hết các bộ phận trên bộ giáp đều được làm từ kim loại bền. Tuy nhiên, nguyên liệu dùng làm phần giáp bảo vệ bộ phận cơ thể bên dưới của chiến binh vẫn là da thú mềm. Kiểu thiết kế này giúp binh sỹ di chuyển dễ dàng.

Áo giáp Nanban

 

Địa hình nước Nhật phần lớn là đồi núi, do đó, theo lệnh của Ie-yasu, những thợ chế tạo áo giáp đã cải tiến loại áo giáp phương Tây cho phù hợp với điều kiện trong nước. Áo giáp Nan-ban không chỉ giúp bảo vệ an toàn phần trên cơ thể của chiến binh mà nó còn tạo cảm giác thoải mái khi họ vượt qua địa hình đồi dốc và chướng ngại vật.

Khi mẫu áo giáp Nan-ban đã hoàn tất, tướng quân Ie-yasu tiếp tục ra lệnh tạo ra nón sắt Nan-ban – loại nón sắt có hình dáng mô phỏng nón sắt của phương Tây, được trang trí theo kiểu nón sắt truyền thống nhưng đơn giản hơn.

Nón sắt Nanban

 

Khi việc chuẩn bị đã hoàn tất, Ie-yasu bắt đầu phát động chiến tranh. Ngày 15/9/1600, quân đội Ie-yasu chính thức tấn công lực lượng trung thành với Toyo-tomi Hide-yori tại Seki-gahara. Áo giáp sắt Nan-ban giữ vai trò không nhỏ trong chiến thắng của Ie-yasu. Đội quân của vị tướng này thiệt hại không đáng kể trong khi phía đối phương tổn thất lên đến 50.000 binh lính.

Năm 1603, Ie-yasu thống nhất hoàn toàn Nhật Bản và đứng ra thành lập chính quyền Mạc Phủ Toku-gawa, mở đầu thời Edo hưng thịnh. Áo giáp Nan-ban trở thành biểu tượng của chiến binh samurai thời kỳ này.

Những tín đồ cuồng nhiệt của áo giáp uy nghi diễu hành trên đường phố

 

Ngày nay, trên đường phố Osaka, người đi đường thỉnh thoảng bắt gặp những chiến binh samurai trong bộ áo giáp uy nghi đang rảo bước. Họ không phải là chiến binh thật sự mà là tín đồ cuồng nhiệt của áo giáp. Mỗi năm, vào dịp lễ hoặc sự kiện trọng đại nào đó của thành phố, những người này khoác lên mình bộ áo giáp của võ sĩ đạo và diễu hành trên đường phố.

Từ trang phục bảo vệ mạng sống của chiến binh nơi trận mạc, ngày nay, áo giáp Nhật Bản là những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho các giá trị truyền thống.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *