Bên bờ hạnh phúc

Thuở đất nước đắm chìm trong tăm tối, Nguyễn Tất Thành tím ruột xót non sông, tìm hướng tương lai, khói phủ Bến Nhà Rồng” (1).

Cách đây đúng 105 năm, ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ Bến cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – người con của xứ Nghệ, mới 21 tuổi đã quyết định rời Tổ quốc thân yêu ra đi tìm đường cứu nước, với một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (2). Với ý chí mãnh liệt cùng lòng yêu thương dân tộc sâu sắc, Người đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc và sự phát triển của dân tộc, độc lập, tự do, hạnh phúc. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại.

 

Các cháu thiếu nhi tham quan và học tập tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM. Ảnh: THÁI BẰNG 

 

 

 

Khi ra đi tìm đường cứu nước, Người mang theo hành trang là lòng yêu nước, thương dân rất đỗi nồng nàn, mãnh liệt, cùng đôi bàn tay lao động và trí tuệ mẫn tiệp. Lòng yêu nước ấy có được thông qua sự tiếp thu, thông qua sàng lọc thực tiễn và thông qua lăng kính của thời đại mới. Lòng yêu nước ấy đã chứa đựng các giá trị mới, tinh thần mới và mang hơi thở của thời đại mới. Nguyễn Tất Thành tiếp thu truyền thống yêu nước, không chỉ bằng tình cảm, bằng tinh thần, mà còn bằng ý chí của một nhà yêu nước có tầm nhìn thời đại. Và Người đã đi đến một kết luận có tính nguyên lý là: “Chỉ có giải phóng được giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và cách mạng thế giới” (3). Nghĩa là muốn cứu nước thì phải làm cách mạng giải phóng dân tộc mình, đồng thời phải giải phóng toàn bộ các dân tộc bị áp bức, công cuộc giải phóng ấy được đặt trong thời đại mới – thời đại của cách mạng vô sản.

 

Trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã trải qua biết bao cuộc hành trình, và vùng đất Sài Gòn – Gia Định năm xưa, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay chính là điểm xuất phát, điểm khởi đầu của cuộc hành trình vĩ đại đi tìm chân lý, tìm con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam.

 

Đối với miền Nam, đối với Sài Gòn, Bác Hồ kính yêu luôn có tình cảm yêu thương đặc biệt. Trong trái tim Người luôn có một miền Nam thành đồng Tổ quốc, đi trước về sau; một Sài Gòn chan chứa tình yêu thương – nơi Người đã ra đi tìm đường cứu nước và luôn cháy bỏng một khát vọng được trở về thăm. Như Người đã tâm sự: “Quê mình ở Nam Đàn, Nghệ An, nhưng mẹ mình mất ở xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài đất nước, ở những nơi như Phan Thiết, Sài Gòn… trước lúc ra nước ngoài, mình đã từng sống và từng đến nơi, nhưng nay về nước đã bao năm rồi, mà mình vẫn chưa về đến chốn”. Khi miền Nam còn chìm trong ách thống trị của ngoại bang và khói lửa chiến tranh, không một phút nào Bác không nghĩ đến miền Nam. Bác nói: “Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi…” (4). “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi” (5).

 

Đáp lại tình cảm thiêng liêng, cao quý của Bác, nhân dân Nam bộ, nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã luôn nêu cao lòng yêu nước, kiên định đấu tranh cách mạng, tin tưởng sắt son vào Đảng, vào Bác Hồ. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Sài Gòn – Gia Định trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nào, nơi đầu sóng ngọn gió, trước sau như một, đều tuyệt đối trung thành với lý tưởng cao cả, luôn mang trong tim hình ảnh Bác Hồ như một động lực và điểm tựa sức mạnh tinh thần, sẵn sàng hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, theo con đường Bác Hồ và Đảng ta đã chỉ ra. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện Di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào Nam bộ, Sài Gòn – Gia Định đã nêu cao khí phách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đạp bằng muôn trùng gian nguy, bám trụ, chiến đấu ngoan cường, kiên trung, bất khuất, mưu trí, sáng tạo, cùng cả nước thực hiện trận quyết chiến chiến lược mang tên Bác – Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

 

Từ thành phố này Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Và thành phố này cũng là nơi trăn trở mạnh mẽ tìm tòi, từ thực tiễn sinh động của thành phố đã góp phần hình thành đường lối đổi mới của Đảng, dẫn đến quyết định lịch sử tại Đại hội VI của Đảng năm 1986. Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã vững bước đi theo con đường mang tầm nhìn vượt thời gian, theo tầm nhìn thời đại mà Người đã chọn. Thực tiễn cách mạng Việt Nam là cơ sở để khẳng định những quan điểm, những nội dung cốt lõi của cương lĩnh phát triển được soi rọi bởi tư tưởng, bởi tầm nhìn thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Hơn bốn mươi năm đã đi qua kể từ đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, non sông thu về một mối, Bắc – Nam sum họp một nhà. Bốn mươi năm kể từ ngày Quốc hội nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên Sài Gòn – Gia Định thành “Thành phố Hồ Chí Minh”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo thực hiện đường lối đổi mới, phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng – an ninh, chăm lo đời sống Nhân dân, xây dựng Đảng bộ thật trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với Nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, thực sự trở thành trung tâm phát triển về nhiều mặt đối với khu vực và cả nước, đóng góp ngày càng lớn cho đất nước. Từ thực tiễn thành phố góp phần để Trung ương nghiên cứu hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt trên hai vấn đề lớn là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Đảng bộ và nhân dân Thành phố ý thức sâu sắc, Bác Hồ kính yêu vẫn luôn sống mãi trong lòng dân tộc, trong trái tim và trong khối óc của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam. Ngày nay, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Thành phố “của cả nước, cùng cả nước, vì cả nước” (6), ra sức phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Trong mỗi thành công của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố có ánh sáng tư tưởng của Bác soi đường, là động lực quan trọng dẫn dắt để Đảng bộ Thành phố quyết tâm xây dựng Đảng bộ thật trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tiếp nối hành trình vĩ đại của Người, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tự do, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân, luôn xứng danh Thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu – Thành phố Anh hùng.

Nguồn: Tất Thành Cang (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh )

( SGGPO )

(1) Bài Văn bia Đền Bến Dược “Đời đời ghi nhớ”, Viễn Phương.

(2) Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 1, tr.94.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.441.

(4) Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 10, tr.373.

(5) Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 8, tr.309.

(6) Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *