Bên bờ hạnh phúc

Đã 18 năm từ khi nhạc sĩ Hoa sứ nhà nàng qua đời, những câu chuyện phía sau của “ông hoàng nhạc Gò Công” – nhạc sĩ Hoàng Phương trong những năm tháng nghèo khó cuối đời sẽ được vợ ông tiết lộ trong Người kể chuyện tình.

Bà Mộng Vân – vợ của cố nhạc sĩ Hoàng Phương

 

Đã hơn ba thập niên kể từ khi các bài hát về xứ Gò Công vang lên làm say lòng khán giả, Mộng Vân – người bạn đời cũng là người đang lưu giữ những di sản âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Phương, đã xuất hiện tại Người kể chuyện tình. Bà mang đến cây đàn guitar, kỷ vật của nhạc sĩ Hoàng Phương. Bà kể đây là một cây đàn từ một người bạn Mỹ Tho tặng, bà đi xe máy từ Gò Công lên Mỹ Tho mang đàn về cho chồng viết nhạc. Ngoài ra, còn có những ca khúc viết tay của Hoàng Phương, kể cả những ca khúc chưa phát hành. Khi ông phát hiện không sống được lâu, ông viết bài hát Lời cuối bên em để tặng cho vợ.

Mộng Vân kể, cuộc đời chồng bà trải qua đủ cả hai kiếp sống. Đó là lúc giàu sang, ông có 2 tiệm vàng, 1 tiệm sửa đồng hồ, 3 căn nhà phố nhưng chính vì quá đam mê làm nghệ thuật và lại tiêu xài rộng rãi, phóng khoáng trong giao tiếp làm tiêu tan tài sản mà ông gầy công tạo dựng. Trong cuộc đời ông, nghệ thuật không song hành với kinh tế. Về cuối đời, cuộc sống mỗi ngày càng trở lên cơ cực, ông lên Sài Gòn tìm đến các trung tâm băng nhạc để kiếm sống nhưng cũng không vực dậy kinh tế. Năm 2002, ông lâm bệnh nặng. Sau khi nghèo khó, ông cùng vợ con sống trong mái nhà chật chội trống trước hở sau nằm ngay trước mảnh đất của cha mẹ ông. Thật trớ trêu, chính trong cảnh sống túng bấn, cùng khổ, cảm xúc của ông lại dạt dào, thăng hoa bên làn khói thuốc liên tục hút trên môi, trong men say chếnh choáng. Cây đàn cũ kỹ, thiếu dây lại gắn bó cùng ông cho ra đời những bài hát hay: Thuyền giấy chiều mưa, Chung vầng trăng đợi, Nhớ biển Gò Công, Hẹn em bên cửa sông Tiền

Nhìn sự hóa thân của Kiều Oanh trong Chuyện tình hoa muống biển, vợ nhạc sĩ Hoàng Phương bật khóc kể về những ngày tháng khó khăn, khi bị cái nghèo đến bám riết hàng chục năm: “Khi ấy, chúng tôi nghèo lắm! Tôi đi cào nghêu, làm cỏ để lấy tiền nuôi chồng nuôi con. Sau đó, tôi được bà con cho tiền mua một chiếc xe để chạy xe ôm. Tôi chạy trong 20 năm, để chồng có thể yên tâm sáng tác. Người kể chuyện tình khơi lại những kỷ niệm, đúng là hoàn cảnh của tôi năm xưa tuy nghèo nhưng cố gắng lo cho chồng con. Đôi lúc, tôi cảm thấy tủi thân vì còn trẻ nhưng lại sống khổ cực nhưng tôi tự hào người chồng là một nhạc sĩ có nhiều bài hát nổi tiếng được công chúng đón nhận và sống mãi với thời gian”.

 

Hiện tại, nhờ sự giúp đỡ của anh em nghệ sĩ trong ngoài nước, cuộc sống của gia đình đỡ vất vả không còn phải chạy xe ôm. Nhà bà mở một quán nhỏ, nhà cửa cũng ấm cúng hơn. Nghĩ lại cảnh nghèo khổ ngày xưa, bà nuối tiếc, ước chi ông được sống đến giờ, để tận hưởng chút thảnh thơi cuối đời. Trong chương trình, bà khen ngợi các ca sĩ thể hiện đúng cái hồn của ca khúc, mong muốn các bạn trẻ tiếp tục hát những ca khúc không chỉ của riêng nhạc sĩ Hoàng Phương mà còn của những nhạc sĩ khác.

Nhạc sĩ Hoàng Phương tên thật Nguyễn Kim Hoàng (1943 – 2002) tại Gò Công, Tiền Giang. Ông vốn xuất thân từ một gia đình có của ăn của để. Gia đình ông vốn không thích con trai theo nghiệp cầm ca mà hướng ông vào con đường thương nghiệp. Thế nhưng, những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường, niềm đam mê âm nhạc dường đã lấn át con chữ trên những trang vở. Ông say đắm các nhạc khúc viết về quê hương vùng biển Gò Công. Một ngày mùa thu, trên con đường từ trường về nhà sau buổi học thêm, ông đã nghe tiếng đàn violon thoát ra từ cửa sổ của ngôi nhà bên cạnh đường. Ai đó đang chơi bài Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong. Những tiếng đàn, những nốt nhạc đó đã thôi thúc ông tiến đến gần hơn con đường âm nhạc.

Sau bao tháng ngày bên cung bậc bổng trầm, năm 1968, ông đạt được kết quả hơn sự mong đợi rất nhiều, khi nhạc phẩm đầu tay Hoa sứ nhà nàng ra đời. Năm 1985, ông tích lũy ít vốn mở được tiệm vàng Toàn Tân. Nghiệp nghệ sĩ tưởng chừng như đã chấm dứt tuy nhiên sau đó ông gom tiền nong, lặn lội lên Sài Gòn tìm nhạc sĩ Quốc Dũng và Lê Hựu Hà. Họ phối khí hòa âm xong thì ca sĩ Bảo Yến thu âm. Sau này, nhạc sĩ Hoàng Phương tiếp tục làm sôi động đời sống âm nhạc không chỉ miền Nam mà cả miền Bắc với dòng nhạc mang tên quê hương ông – dòng nhạc Gò Công. Suốt thập niên 1980, dòng nhạc Gò Công tỏa sáng trên bầu trời âm nhạc Việt như một hiện tượng nghệ thuật mới lạ. Người khai phá và duy nhất tỏa sáng với dòng nhạc này là nhạc sĩ Hoàng Phương.

Trong chương trình, danh ca Phương Dung bật mí bà và nhạc sĩ Hoàng Phương là bà con. Nhạc sĩ Hoàng Phương gọi Phương Dung bằng cô và vườn của ông ngoại Hoàng Phương phía ngoài, đi sâu vào là vườn của ba Phương Dung. Bà kể: “Tôi từng về quê gặp Hoàng Phương. Khi ấy, tôi có gửi một bao lì xì cho nhạc sĩ, chỉ biết vợ Hoàng Phương nhưng chưa có nói chuyện. Cảm ơn chương trình đã cho tôi được nghe lại những ca khúc của người cháu để dâng lên một niềm cảm xúc với quê hương. Tuy nhiên, khoảng thời gian Hoàng Phương khó khăn, tôi ở nước ngoài không biết tin và không giúp được gì cho cháu mình. Tôi rất hối tiếc”.

 

 

Tình yêu đôi lứa, tình cảm dành cho quê hương đầy ắp của Hoàng Phương sẽ được thể hiện trên sân khấu Người kể chuyện tình qua các tiết mục: Hoa sứ nhà nàng (Đỗ Tùng Lâm), Mẹ Gò Công (Bảo Đăng), Chiếc cầu chiều mưa (Châu Ngọc Hiếu), Chuyện tình hoa muống biển (Kiều Oanh).

Người kể chuyện tình tập 14, chủ đề nhạc sĩ Hoàng Phương với màn tranh tài gay cấn của Bảo Đăng, Kiều Oanh, Châu Ngọc Hiếu và Tùng Lâm sẽ phát sóng lúc 21h00 thứ năm ngày 10/9/2020 trên kênh THVL1.

Nguồn: Mi Ty ( Thế giới điện ảnh )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *