Bên bờ hạnh phúc

Lạc quan, nghị lực và tràn đầy niềm tin yêu đối với cuộc đời là điều dễ dàng nhận thấy ở anh Nguyễn Văn Lâm – người thanh niên có khiếu văn chương quê gốc ở Thanh Hóa, hiện nay đang ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM. Nhưng mấy ai biết được rằng, phía sau lời thơ dạt dào cảm xúc là một số phận không may của cảnh đời khiếm khuyết.

Vốn là sinh viên năm nhất, ngành Tin học của trường đại học Sư phạm Bình Phước, anh Lâm từng ấp ủ cho mình ước mơ trở thành thầy giáo. Thế nhưng, cách đây hơn 10 năm, tai nạn giao thông kinh hoàng đã khiến bao hoài bão ấp ôm một thời tuổi trẻ của anh Lâm phút chốc vỡ tan.

Cánh cửa tương lai khép lại, thân thể tật nguyền những tưởng, cuộc đời anh Lâm rồi sẽ đắm chìm trong chuỗi ngày buồn tủi. Thế nhưng, vượt qua những rào cản của bản thân, anh vẫn sống mạnh mẽ, lạc quan như loài xương rồng vẫn sinh sôi trong những điều kiện khắc nghiệt. Không từ bỏ bất kỳ một hy vọng nào, hằng ngày anh cố gắng tập vật lí trị liệu. Để rồi, sau 5 năm kiên trì, cánh tay của anh không chỉ cử động mà người thanh niên giàu nghị lực này còn thực hiện được ước mơ trở thành giáo viên dạy tin học ở làng May Mắn – nơi dành cho những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn.

Và chính nhờ tinh thần mạnh mẽ, lạc quan đã giúp anh Lâm nên duyên với chị Nguyễn Thị Minh Thơ, người con gái quê ở Bến Tre cũng yêu thích thơ ca. Đồng điệu với nhau về tâm hồn, anh chị như tìm thấy được niềm vui, niềm an ủi khi giữa dòng đời xuôi ngược luôn có bạn đồng hành cùng vượt qua trở ngại, khó khăn.

Đến với nhau bằng hai bàn tay trắng, cha mẹ hai bên cũng nghèo nên vợ chồng anh Lâm phải bươn chải thật nhiều mới có thể bám trụ nơi Sài thành đắt đỏ. Sớm tối chăm lo cho anh từng miếng ăn giấc ngủ, kể cả việc vệ sinh cá nhân, chị Thơ còn tranh thủ bán hàng online để kiếm tiền trang trải sinh hoạt trong nhà, nhất là lo chi phí thuốc thang trong những ngày anh bệnh.

Trải qua 2 lần đại phẫu và không dưới 5 lần tiểu phẫu ở cột sống và bàng quang, cộng thêm chứng co cơ liên tục tái phát khiến sức khỏe anh Lâm ngày càng suy giảm. Thế nhưng, trong những thời điểm khó khăn đó, anh lại càng thấm thía nghĩa vợ chồng muối mặn gừng cay. Bởi chị không chỉ là bàn tay, là đôi chân mà còn là chỗ dựa tinh thần để anh cố gắng vượt qua nghịch cảnh. Ngoài thời gian đứng trên bục giảng, anh còn mài mò học thiết kế đồ họa – một trong những công việc mà anh yêu thích, mong sau này có thể lo cho vợ  – người đã dành cả thanh xuân cùng anh vượt qua bao trắc trở, chông gai.

Yêu thích Tin học và muốn truyền lại những gì mà mình đã học cho các em học sinh là điều mà anh Lâm luôn muốn thực hiện. Vì vậy, mỗi ngày dẫu phải tự đến lớp với một cánh tay yếu ớt nhưng với người thầy này là cả một niềm hạnh phúc lớn lao. Không đứng trên bục giảng, không bảng đen phấn trắng như những giáo viên khác, việc lật mở từng trang sách phải nhờ các em học sinh làm giúp, thế nhưng, với kiến thức chuyên môn vững vàng cùng tâm huyết của người lái đò tận tụy, thầy Lâm luôn cố gắng đưa ra phương pháp giảng giải ngắn gọn, dễ hiểu để các em dễ dàng tiếp thu bài học. Không chỉ có thế, trong suốt 5 năm đứng lớp, thầy luôn ân cần, thương yêu những thế hệ học trò ở làng May Mắn, mong có thể bù đắp cho các em phần nào những bất hạnh mà tuổi thơ phải chống chọi. Chính vì vậy, thầy luôn nhận được sự tin tưởng, quí trọng của tập thể học sinh và thầy cô ở trường.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ: 

1/ Nguyễn Văn Lâm, làng May Mắn, số 38D, đường 18B, khu phố 22, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TPHCM.

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa”, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Kim Thơ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *