Bên bờ hạnh phúc

Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn… Từ lâu, câu nói ấy đã trở thành lời tự nhủ, động viên của biết bao cặp vợ chồng đang đứng trước khó khăn, thử thách. Đặc biệt với anh Trương Thế Mạnh và chị Phạm Thị Hồng Huệ, cùng quê hương tỉnh  Sóc Trăng. Sinh ra vốn chịu cảnh khiếm khuyết tật nguyền, hai anh chị càng trân quí hơn tình cảm vợ chồng khi cùng nhau trải qua tất cả gian nan.

Anh Mạnh – từ nhỏ đã bất hạnh khi một bên chân bị teo tóp do cơn sốt bại liệt lúc nhỏ. Còn chị Huệ – những tưởng cuộc đời sẽ bằng phẳng hơn với tháng ngày cắp sách đến trường thì năm 13 tuổi, chị đột ngột bị bệnh viêm tủy và phải tháo một khớp chân để duy trì sự sống. Giữa những bất hạnh của thân thể tật nguyền, anh chị đã đến với nhau bằng tất cả tình yêu, sự cảm thông và chọn ở trọ ở phường 2, tp Sóc Trăng để cùng nhau vượt qua nghịch cảnh.

Học nghề in thiệp, thiết kế họa tiết trên bao bì, túi xách từ những năm làm công nhân cho 1 cơ sở in gần nhà, cách đây 2 năm, anh Mạnh đã mạnh dạn vay vốn hơn 6 triệu đồng để bắt đầu chặng đường khởi nghiệp. Không có máy móc hiện đại nên  anh đã tiến hành công việc đầu tiên với chiếc máy kéo lụa tự chế. Dụng cụ, nguyên liệu ít ỏi, nên người thợ chỉ nhận những đơn hàng nhỏ lẻ, chủ yếu là gia công cho cơ sở lớn, để lấy kinh nghiệm và tạo uy tín với khách hàng.

Cuộc sống những tưởng đã ổn định khi tiệm in tại nhà của anh Mạnh dần có khách, và vợ anh – chị Huệ đã tìm được việc thích hợp sau khi thời gian tốt nghiệp trung cấp kế toán. Hạnh phúc dần trọn vẹn hơn khi đứa con gái Ngọc Bội ra đời trong niềm vui khôn xiết của đôi vợ chồng khiếm khuyết. Cố gắng làm lụng thoát nghèo nên dần dà, chị Huệ đã trở thành cánh tay đắc lực, hỗ trợ chồng trong việc tính toán, hay thiết kế họa tiết trên bao bì để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú.  

Bắt đầu công việc với những khó khăn nhưng nhờ bản tính chăm chỉ, siêng năng, không chùn lòng trước gian nan nên đôi vợ chồng nghèo đã nhanh chóng nhận được nhiều đơn hàng. Thế nhưng, tình hình sức khỏe của chị Huệ gần đây có dấu hiệu giảm sút khi vết thương ở chỗ tháo khớp năm xưa thường xuyên đau nhức. Những lúc bớt việc, hình những sản phẩm bao bì đang dần hoàn thiện dưới sự cố gắng nỗ lực cố gắng của chồng, cùng đứa con gái bé bỏng đang khôn lớn từng ngày từ công việc đam mê tâm huyết của cả 2, là chị Huệ dặn lòng phải cố gắng nhiều hơn để trở thành 1 hậu phương vững chắc.  

Yêu thích, đam mê với nghề nhưng vợ chồng chị Huệ anh Mạnh đang gặp nhiều khó khăn khi bao bì của anh chị tạo ra cạnh tranh rất nhiều với những mặt hàng in ấn được thiết kế, sản xuất bằng máy móc hiện đại. Chưa kể việc làm thủ công, tiến độ chậm chạp, nguyên liệu mực in phải đặt từ TPHCM chuyển về Sóc Trăng xa xôi, nên việc mở cửa tiệm đến nay vẫn còn trắc trở. Thế nhưng, khát khao được một cơ sở in ấn bao bì cho riêng mình, phát triển được nghề nghiệp, không phải lao động chân tay luôn là mong mỏi và động lực của vợ chồng này mạnh mẽ đối diện với gian nan.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Anh Trương Thế Mạnh và chị Phạm Thị Hồng Huệ, phường 2, thành phố Sóc Trăng

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long.

Kim Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *