Bên bờ hạnh phúc

Nhắc đến Đà Lạt, người ta thường nhớ đến xứ sở của ngàn hoa với những cung đường rợp bóng rừng thông. Nét đẹp của phố núi luôn mang cho những lữ khách cảm giác có một chút gì đó nhẹ nhàng, mong manh như những đóa hoa mà thiên nhiên đã ban tặng. Bên cạnh những hương sắc ấy, nơi này còn nổi tiếng với những bông hoa được tạo nên từ đôi tay điêu luyện của những người thợ thủ công như chị Trần Thị Hòa – người con gái tật nguyền, quê gốc ở huyện Di Linh.

Như bao người con ở phố núi, chị Hòa lớn lên cũng thích học đan len, thêu thùa may vá và  chọn những công việc thủ công ấy làm kế mưu sinh suốt những năm tháng thanh xuân. Nhưng bắt đầu từ năm 2014, tình cờ chị biết được nghề làm hoa đất sét từ một cơ sở tư nhân dạy miễn phí cho những người khuyết tật. Ban đầu chỉ là tò mò, hiếu kỳ vì chẳng hiểu sao một vật vô tri vô giác như đất sét lại có thể trở thành những cánh hoa sống động, chị Hòa đã học cách phối màu, ép khuôn, nặn cánh…rồi tự dùng cảm nhận của mình đểbiết được sự dày, mỏng, chi tiết khác nhau của từng loài hoa kiểng. Đam mê lúc nào không hay, chị chuyển sang theo đuổi nghề làm hoa đất sét và trở thành một trong những người thợ chính tạo ra những bông hoa tuy không hương nhưng lúc nào cũng khoe sắc thắm.

Tháng năm ngược xuôi nơi phố núi, chị tìm được người bạn đời cùng cảnh ngộ để chia sớt buồn vui. Thương chồng bị tật gì? không thể làm được những việc nặng nhọc, cũng chẳng thể cầm nắm vật nặng nên chị đứng ra gánh vác gia đình. Nên Từ việc lo sinh hoạt hằng ngày, đến chuyện học hành, chăm sóc con thơ, người vợ, người mẹ này luôn chu đáo trong ngoài, để tổ ấm nhỏ luôn đong đầy hạnh phúc.

Có gia đình làm điểm tựa, có một nghề để say mê nhưng cuộc sống của chị Hòa vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi gần mười năm kết hôn, vợ chồng chị vẫn chưa có một mái nhà cho riêng mình. Chỗ ở của đôi vợ chồng khuyết tật chỉ là căn gác nhỏ của người thân thương tình cho tá túc. Đồng lương làm làm hoa đất sét gia công cũng không nhiều, làm sao chi Hoà đủ sức lo lắng cho tổ ấmđược đủ đầy, sung túc?

Rất khó để nghe rõ được mấy tiếng "thương vợ nhiều" từ anh Trường nhưng chúng tôi cảm nhận được tận sâu trong cõi lòng của người đàn ông khiếm khuyết này một tình yêu đối với vợ, con luôn nồng nàn, cháy bổng. Có thể anh không cho vợ được một bờ vai vững chãi, một cuộc sống không phải lo cơm ăn áo mặc như bao người nhưng anh có thể cho chị sự yêu thương, quan tâm, lo lắng từ những điều bình dị . Bữa cơm dẫu được nấu từ đôi tay run rẩy, cầm nắm khó khăn, lúc chín lúc khê nhưng vị của nó thì luôn đậm đà nghĩa vợ chồng muối mặn gừng cay.

Dường như chính tình yêu đã giúp chị Hòa thêm mạnh mẽ, tự tin hơn trong bước đường mưu sinh còn trắc trở của mình. Không chỉ làm thuê ở cơ sở, chị còn nhận thêm những đơn hàng làm hoa đất sét vào ban đêm tại nhà. Gom góp ít tiền dành dụm để mua đất, hóa màu, khuôn lá… để tạo ra những chậu hoa đẹp mắt, chị còn nhờ mạng xã hội để giúp những sản phẩm của mình đến gần hơn với khách hàng ở khắp mọi nơi. Linh hoạt trong việc phát triển công việc là vậy, thế nhưng vì thiếu vốn mua nguyên liệu, chưa có mặt bằng làm cơ sở sản xuất riêng nên bài toán mưu sinh với chị vẫn còn là trăn trở lớn. Nhưng tin rằng đôi tay chị có thể làm đất sét nở hoa thì cũng chính nghị lực này sẽ giúp cuộc đời chị vượt qua được muôn vàn thử thách.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Trần Thị Hòa, Phường 2, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa", Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Kim Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *