Bên bờ hạnh phúc

Nằm sâu trong con đường mòn dọc bờ ruộng ở xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An là ngôi nhà của đôi vợ chồng khiếm khuyết – anh thợ sửa điện cơ Võ Tấn Khanh và chị Nguyễn Thị Ngọc Bích- người phụ nữ biết may vá, vén khéo. Dẫu mỗi bước đi đối với 2 vợ chồng đều vô cùng chông chênh, vất vả nhưng chưa một ngày anh chị ngưng hy vọng về tương lai vơi bớt nhọc nhằn bằng chính đôi tay cần cù lao động.

Sinh ra trong gia đình nghèo lại mang đôi chân tật nguyền vì sốt bại liệt, anh Khanh sớm ý thức phải tự thân bươn chải mới nuôi sống được mình, đỡ đần gia đình. Vất vả tìm việc làm từ năm 18 tuổi, có cơ hội làm quen được nghề nào là anh lại dày công tìm tòi nghề nấy. Từ sửa chữa máy nổ, sửa xe gắn máy đến sửa điện thoại… nghề nào anh cũng thành thạo, nhuần nhuyễn. Nhưng cột sống vốn đã xiêu vẹo do di tật ngày một đau nhức, anh không thể tiếp tục duy trì những nghề cần mang vác nặng. Ý định mở cửa tiệm điện thoại cũng dang dở bởi không đủ vốn nhập nhiều linh kiện đắt đỏ. Không ngại khó, người thợ nghèo tiếp tục học thêm nghề sửa điện cơ tại trường dạy nghề dành cho người khuyết tật ở Hóc Môn. Tìm được công việc vừa sức, anh Khanh dồn hết tâm huyết vào việc tìm tòi, sửa chữa từng hỏng hóc của đồ gia dụng, dần làm bạn với máy hàn, ốc vít…

Cùng là người khuyết tật do chứng rút cơ bẩm sinh lại chung chí hướng muốn tìm tòi nhiều nghề để nâng cao hiểu biết, chị Bích nhận ra sự đồng điệu với chồng ngay từ ngày đầu gặp gỡ tại trường khuyết tật. Vốn đã học được nghề may vá thành thạo từ thời con gái, năm 2015 chị Bích vào trường học thêm vi tính. Vừa học nghề mới vừa làm công nhân vắt sổ kiếm thêm thu nhập, chị luôn ao ước sớm mở được cửa tiệm riêng để tận tay may nhiều loại trang phục như áo đầm, áo sơ mi, đồ thun, quần tây…cho bà con dù chưa sắm sửa được gì ngoài cái máy vắt sổ đã cũ.

Sau 2 năm bôn ba đổi dời nhà trọ ở Hóc Môn, từ ngày sinh con gái đầu lòng, anh chị được người anh họ cho ở nhờ nhà cũ tại quê Long An. May mắn được mẹ ruột đỡ đần chăm con những lúc bận rộn nhưng vợ chồng nghèo lại đối mặt với nhiều thử thách khác từ việc đi lại bất tiện, phải gửi nhờ xe ba bánh ở nhà người quen tận đường lớn đến bản thân chị Bích chưa tìm được việc làm ổn định sau khi sinh… khó khăn cứ thế chồng chất từng ngày.

Tay chân yếu ớt khó bồng bế con như bao bà mẹ khác là nỗi trăn trở lớn nhất của người vợ khuyết tật. Tận sâu đáy lòng, chị Bích chỉ mong sao có đủ vốn mua 1 cái máy may chuyên dụng, sửa chữa máy vắt sỗ đã cũ để sớm quay lại nghề may vá san sẻ gánh mưu sinh cùng chồng.

Thương vợ, anh Khanh càng ra sức lao động, bên cạnh thời gian làm công nhân tại cơ sở, anh tranh thủ nhận sửa thêm máy mài, máy khoan cho bà con gần nhà vừa tạo nguồn khách quen vừa nâng cao tay nghề. Kiên trì làm việc và tính toán tỉ mỉ là vậy nhưng để tìm thuê được mặt bằng thuận tiện cho anh Khanh sữa chữa điện cơ, chị Bích tập trung máy vá, sửa quần áo vẫn còn quá xa tầm với… Nhất là khi con gái ngày một lớn, nhiều chi phí sinh hoạt cần trang trải hơn.

Thử thách ngày một chồng chất, thế mà chưa một ngày đôi vợ chồng trẻ thôi động viên nhau vững dạ vượt khó. Bởi hơn ai hết anh chị hiểu rằng mái ấm nhỏ này cần có sự chung tay góp sức của cả hai i mới có thể vững chãi đi qua sóng gió. Khó nghèo rồi sẽ lùi xa nếu như ta biết trân quý công việc và tin vào chính bản thân mình.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/  Võ Tấn Khanh, xã Thạnh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa", Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Thùy Dương

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *