Bên bờ hạnh phúc

Cũng như bao gia đình khác, một ngày mới với đôi vợ chồng khiếm khuyết này bắt đầu bằng những tất bật từ sáng để kịp chăm lo cho các con rồi hối hả lao vào công việc. Cố không để phung phí một giây phút nào bởi vì vợ chồng anh Trần Ngọc Trọng và chị Trần Thị Kết hiểu rằng nếu không lấy sự cần mẫn bù đắp cho phần khiếm khuyết trên thân thể thì khó lòng kiếm được đồng lời từ việc may vá giữa chốn thành thị đông đúc, đầy đua chen…

Cơn sốt bại liệt năm 2 tuổi lấy đi đôi chân khỏe mạnh của chị Kết, nhưng không thể nào ngăn cản niềm đam mê kim chỉ, vải vóc. Đến năm 20 tuổi, chị quyết lòng theo học nghề may ở quê nhà Hậu Giang, những mong một ngày có thể dùng chính đôi chân yếu ớt đạp may được nhiều áo sơ mi, quần tây rồi đầm váy làm đẹp cho bà con. Vài năm sau khi ra nghề, cô thợ nghèo chọn rời quê lên thành phố HCM làm công nhân may gia công, cũng chính lúc ấy chị gặp và nên duyên cùng anh Trọng – người đàn ông đồng cảnh ngộ đầy nghị lực.

Sinh ra trong gia đình đông anh em ở vùng ven của thành phố HCM, với cánh tay trái yếu ớt, thêm đôi chân teo nhỏ vì sốt bại liệt, anh Trọng khó lòng tìm được công việc vừa sức. Bươn chải đủ nghề từ mài dao kéo đến bán vé số dạo… người chồng chỉ mong đủ sức làm chỗ dựa cho vợ con. Biết vợ yêu thích nghề may áo đầm trẻ em, anh Trọng dốc lòng học từng công đoạn nhỏ của nghề may như ủi biên, dập ly…để đỡ đần vợ.

Không dừng lại đó, anh còn chủ động mang quần áo thành phẩm đi dọc các ngả đường hay ghé vào các khu chợ quen bày bán. Với giá cả phải chăng, đầm váy của đôi vợ chồng thợ may khuyết tật nhanh chóng được bà con đón nhận. Hết lòng với nghề là thế, nhưng đồng lời thì ít ỏi, đôi khi phải bán thêm vé số để trang trải từng ngày, đôi vợ chồng thợ may khuyết tật biết xoay sở được đến bao giờ…

Đời nghèo có truân chuyên đến đâu cũng không thể khiến anh chị chùn lòng nản chí, đơn giản chỉ vì vợ chồng đã cùng bên nhau chia ngọt sẻ bùi. Cố sức làm lụng, anh Trọng hy vọng tích cóp đủ vốn để quay lại nghề mài dao mài kéo, hoặc có thể tân trang thêm chiếc xe 3 bánh cũ cho bớt hỏng hóc, để an toàn hơn trong những chuyến bán buôn rong ruổi.

Quanh quẩn suốt với bài toán xoay sở nguồn vốn, nên hiện tại anh chị chưa thể ổn định với công việc may chuyên quần áo trẻ em như đã định hướng, mà chỉ có thể trông chờ vào đồng lời ít ỏi của việc may gia công. Mong muốn người khiếm khuyết có thể làm chủ đời mình là vậy, thế nhưng bài toán cơm áo chưa hết lo toan thì biến cố gia đình lại lần lượt đổ dồn lên đôi vai người cha, người mẹ khuyết tật….

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Trần Thị Kết, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long.

Thùy Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *