Khuyết tật và biến cố là một trong những trở ngại lớn của mỗi người trong hành trình thoát nghèo của mình. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều mảnh đời đã tự vươn lên nghịch cảnh bằng chính tay nghề và ý chí không ngừng vượt qua số phận. Cùng mang những khiếm khuyết thân thể nhưng hai chị lại là điểm tựa vững chắc cho gia đình với nghề may vá điêu luyện, khéo léo. Đầu tiên là câu chuyện về chị Nguyễn Thị Suốt – khuyết tật hai chân, có gần 20 năm may quần áo để lo cho chồng và con đến từ xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Video clip chương trình Vượt qua thử thách – Kỳ 226 (29/04/2016)
Hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Suốt, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Bắt đầu cuộc sống bằng những bước đi khập khiễng, chông chênh do di chứng sốt bại liệt thuở nhỏ, nhưng hơn bốn mươi năm nay, chị Suốt vẫn mạnh mẽ bước qua những gian nan để kiếm tiền chăm lo cho gia đình nhỏ…
Mơ ước trở thành cô giáo nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, chị Suốt đã phải dang dở lớp 12, tự mài mò học nghề may vá để có tiền trang trải gia đình. Vậy là với vài ba miếng vải, ít kim chỉ, người thợ khiếm khuyết nơi vùng biên đã miệt mài bên chiếc máy may cũ kỹ để hoàn thành từng bộ quần áo khéo léo, đẹp mắt theo đúng yêu cầu khách hàng. Không chỉ dừng lại ở việc may vá những chiếc áo sơ mi, bà ba, chị còn tìm tòi, học hỏi thêm những mẫu áo kiểu, áo dài để tay nghề được nâng cao hơn mặc cho đôi chân phải làm việc liên tục, thường xuyên sưng phồng, đau nhức.
Tâm huyết với nghề là vậy, thế nhưng, lòng người mẹ này vẫn còn trĩu nặng bao nỗi lo toan khi số tiền công may vá không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Và nhất là lo cho Hoàng Quí – đứa con trai duy nhất, 11 năm liền đạt loại giỏi với nhiều giải thưởng vòng huyện, tỉnh đang bước vào những năm cuối cấp với nhiều cam go, thử thách.
Ý thức được cảnh sống khó khăn nên anh Hai – chồng chị Suốt, người đàn ông dẫu không được lanh lợi, nhanh nhẹn như bao người nhưng vẫn cố gắng cáng đáng một vài công việc làm thuê để vợ nhẹ gánh kiếm tiền nuôi con học hành đến nơi đến chốn.
Tin rằng, khi bản thân có tay nghề, có tâm huyết thì dẫu có khiếm khuyết, có khó khăn đến đâu thì chị Suốt cũng sẽ vững vàng vượt qua bằng chính ý chí không ngừng vươn lên số phận.
Hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Tưởng, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.
Những tưởng những khiếm khuyết sẽ khiến bước chân của chị Suốt thêm mỏi mòn. Thế nhưng, bằng chính tình thương lớn lao của một người mẹ và tay nghề vững chắc, chị Nguyễn Thị Tưởng ngụ xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đã vượt qua mọi khó khăn của nghề may vá để gồng gánh gia đình bấy lâu nay.
Hơn mười lăm năm từ ngày hạnh phúc gia đình tan vỡ, chị Tưởng – người phụ nữ với một bên chân suy yếu do căn bệnh sốt bại liệt từ nhỏ đã phải rong ruổi nhiều nơi, làm đủ mọi nghề để có tiền nuôi nấng con thơ. Thế nên, ngày được nhận vào cơ sở may gia công gần nhà, chị như tìm thấy niềm vui sau nhiều năm làm thuê bấp bênh. Lấy sự khéo léo, đẹp mắt của quần áo làm tiêu chí hàng đầu nên trong từng nét vẽ, đường may, chị luôn chăm chút một cách cẩn thận để sản phẩm được hoàn chỉnh nhất. Không chỉ dừng lại ở việc may, người thợ lành nghề này còn tranh thủ nâng cao tay nghề bằng việc làm thêm những công đoạn khó như ráp thân áo khoác, làm nón… hàng trăm cái mỗi ngày theo yêu cầu của chủ.
Thu nhập phụ thuộc vào nguồn hàng ít hay nhiều tuỳ đợt nên những khi không có quần áo may gia công, người mẹ đơn thân này lại không ngại vất vả nhận đánh dây lát thuê đổi lấy mười mấy ngàn tiền công để nối dài việc học cho con. Thế nhưng hai năm nay, chứng thiếu máu não khiến sức chị suy giảm, không thể ngồi may lâu, càng làm nỗi lo chất chồng hơn nơi mái nhà thiếu trước hụt sau.
Thương cho tương lai con còn dài phía trước, vừa ấp ủ ước mơ thoát nghèo cho gia đình, chị Tưởng mạnh dạn vay hơn 10 triệu đồng để chăn nuôi heo. Thế nhưng, dịch bệnh hoành hành khiến vốn liếng mất trắng. Xót lòng cho cảnh sống khó khăn, chị càng ra sức làm lụng, may vá nhiều hơn để vực dậy gia đình. Bởi chị hiểu rằng khi cuộc sống vẫn còn quẩn quanh trong hai chữ "khó nghèo" thì mỗi người cần phải cố gắng nhiều hơn mới thực hiện được ước mơ ấp ủ.
Kim Thơ