Với ưu thế trong sản xuất, những năm gần đây, nuôi cá tra ở Vĩnh Long ngày càng trở thành nghề kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để phát huy hiệu quả, hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp đột phá sản xuất, trong đó có giải pháp hướng tới mô hình liên kết sản xuất theo hướng bền vững.

Thời gian qua, nghề nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh tuy phát triển mạnh về quy mô diện tích nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài phụ thuộc vào giá cả đầu ra, hiện nay, người nuôi còn phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao, diện tích nuôi manh mún, không tập trung, đặc biệt là người nuôi cá tra thiếu sự liên kết trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. Đây là những yếu tố bất lợi trong giải quyết đầu ra cho sản phẩm.



 

Ông Liêu Cẩm Hiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long nhận định: “Chúng ta đang hướng tới thực hiện giải pháp tổ chức lại sản xuất, tạo vùng hàng hóa tập trung, trong đó có sự liên kết, bảo đảm hài hòa giữa các khâu từ nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu. Đặc biệt là nhũng hộ nuôi ở dạng liên kết kinh tế tập thể, tổ hợp tác, HTX hay Hiệp hội tạo ra lượng hàng hóa tập trung, đồng bộ có chất lượng để cung ứng sản phẩm an toàn, chất lượng cho thị trường tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu.”

Tỉnh Vĩnh Long hiện đã có Hiệp hội Thủy sản. Ngoài việc tổ chức cho hội viên trao đổi, giúp nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm, Hiệp hội còn làm nhiệm vụ cầu nối để các công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản trong khu vực đầu tư vốn, thức ăn và bao tiêu sản phẩm cho hội viên. Hiệp hội cũng hướng dẫn, tạo điều kiện để hội viên tiếp cận khoa học, kỹ thuật; trao đổi kinh nghiệm để thực hiện đúng quy hoạch vùng nuôi, bảo đảm môi trường theo quy định của Nhà nước. Đặc biệt, Hiệp hội còn là đầu mối để hội viên ký kết hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp. Như vậy, mối liên kết 4 nhà thông qua Hiệp hội Thủy sản sẽ được thực hiện tốt hơn.

Theo ông Trương Đình Hòe, Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam: Vấn đề hiện nay cần thiết phải đặt ra nhiều cấp độ, trong đó cấp độ địa phương cần được quan tâm của các cấp chính quyền cũng như hiệp hội ở địa phương. Ở Vĩnh Long, ví dụ sản lượng mỗi năm 100.000 tấn nếu tổ chức tốt khâu liên kết, không chỉ giữa người nuôi với nhà máy chế biến mà kể cả từ khâu sản xuất giống và chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và chứng nhận vùng nuôi, chắc chắn, chúng ta tạo ra sự khác biệt trong quá trình cung cấp trên thị trường với sản phẩm tốt, bảo đảm quy hoạch chung một cách bền vững thì tôi nghĩ sản phẩm cá tra Vĩnh Long còn phát triển tốt trong tương lai.”

Nhờ có nhiều ưu thế phát triển, hàng năm, tỉnh Vĩnh Long có hơn 10.000 ha mặt nước nuôi thuỷ sản với tổng sản lượng bình quân đạt hơn 100.000 tấn/ năm. Trong đó, diện tích nuôi cá tra với quy mô công nghiệp chiếm từ 200 – 300 ha. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2011, sản lượng cá tra ước đạt hơn 39.000 tấn.

Đã đến lúc tỉnh Vĩnh Long nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung phải tổ chức lại mô hình liên kết sản xuất thủy sản trên tinh thần tự nguyện, theo hướng làm ăn lớn, ổn định để đứng vững và phát triển. Đặc biệt là phải hướng tới mô hình liên kết “nhiều nhà” bền chặt, có sự phân công theo thế mạnh chuyên môn, làm thế nào để sản phẩm đạt chất lượng cao, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Lê Hải 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *