Bên bờ hạnh phúc

Từng nổi tiếng với những vườn cây ăn trái đặc sản, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre còn được mệnh danh là “vương quốc của những nhà sản xuất giống cây ăn trái và hoa kiểng”. Cùng với việc tăng nhanh về số lượng, chất lượng nông sản, nhiều nhà vườn đã tự nguyện hợp tác lại với nhau nhằm tạo ra một tập thể sản xuất cây giống vừa đa dạng, vừa đạt chuẩn lại có khả năng cung cấp với số lượng lớn. Tổ liên kết sản xuất – kinh doanh dịch vụ cây giống, hoa kiểng Hai Đê, tại ấp Sơn Châu, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre là một trong những đơn vị điển hình.

Anh Huỳnh Văn Dũng – tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất – kinh doanh dịch vụ cây giống, hoa kiểng Hai Đê

 

Hai Đê là tên gọi khác của anh nông dân Huỳnh Văn Dũng ở ấp Sơn Châu, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Anh gắn bó với nghề cây giống đã hơn 20 năm nay. Tuy có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất cây giống nhưng để trụ vững với nghề, vợ chồng anh Dũng còn dành khá nhiều thời gian để đến các lớp học nghề do ngành Nông nghiệp và Hội Nông dân địa phương tổ chức. Chính vì thế, anh Dũng ý thức được rằng, làm nghề cây giống không dễ chút nào, đòi hỏi phải đúng pháp luật và phải có đạo đức trong nghề. Nhờ vậy, thương hiệu Hai Đê ngày càng gần gũi với nhiều nhà vườn, nhanh chóng vươn lên trong làng sản xuất cây giống ở địa phương.

Tuy nhiên, tên hiệu Hai Đê chỉ thật sự nổi tiếng khắp khu vực kể từ khi anh Dũng đưa giống dừa xiêm dây ra thị trường vào năm 2007. Năm đó, đến với Hội thi trái ngon an toàn và sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ 7, anh Dũng chọn quày dừa xiêm dây 107 trái dự thi và được trao giải nhất. Sau đó, cái tên Hai Đê với giống dừa xiêm dây được các nhà khoa học và bà con nông dân khắp vùng biết đến. Đây là giống dừa anh Dũng sưu tầm được ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh trong một lần tham gia hội chợ nông nghiệp ở địa phương này.

Khách hàng thích thú tìm hiểu về giống dừa xiêm dây của anh Dũng

 

Trước khi đưa ra thị trường giống dừa xiêm dây, anh Dũng tìm hiểu kỹ về nguồn gốc và hiệu quả của nó. Cũng như nhiều giống dừa xiêm khác, sau 36 tháng trồng, dừa bắt đầu cho trái. Nếu thu hoạch dừa uống nước thì trung bình mỗi năm, cây cho 14 quày và tùy theo độ tuổi của cây mà trái mỗi quày ít hay nhiều. Cây càng nhiều tuổi, trái càng sai.

Thời gian trước, giống dừa này cho hiệu quả kinh tế không cao vì thương lái thường chê trái nhỏ. Có lẽ vì thế mà hiện nay, ở ấp Sơn Châu, chỉ có khoảng gần 300 cây dừa xiêm dây với độ tuổi trên 10 năm. Sau khi anh Dũng dự thi đạt giải nhất, giống dừa xiêm dây trở nên nổi tiếng, nhiều bà con gần xa tìm đến mua giống về trồng. Mỗi năm, trại Hai Đê cung cấp vài ngàn cây giống dừa xiêm dây cho bà con.

Để đưa giống dừa xiêm dây ra thị trường thì sự liên kết giữa một bên là anh Dũng – người có đủ điều kiện để sản xuất giống như có chứng chỉ nghề, có vốn, có thị trường đầu ra nhưng không có cây bố mẹ và một bên chưa có đủ những điều kiện cần thiết để sản xuất giống hợp pháp nhưng sở hữu cây đầu dòng là rất cần thiết. Mối liên kết tương tự cũng được anh Dũng thiết lập trong những năm qua với những giống cây ăn trái khác: như nhãn Mỹ, vú sữa Lò Rèn, Thanh Long ruột đỏ, xoài Hồng Vân…

Tổ hợp tác sản xuất kinh – doanh dịch vụ cây giống, hoa kiểng Hai Đê đã có trên 30 chủng loại giống chất lượng

 

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề sản xuất cây giống, anh Dũng nhận định, làm nghề này không thể chỉ bán một vài loại giống là được mà phải đa dạng hóa về chủng loại, giống phải đặc biệt, phải phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và phải có số lượng nhiều để cung ứng đủ cho khách hàng; không nên vì chạy theo số lượng rồi tự ý gom hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng bán cho bà con. Con đường để giải quyết nỗi trăn trở của anh Dũng chính là phải tìm đối tác trong nghề liên kết lại với nhau.

Được sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng địa phương, tháng 8/2009, Tổ hợp tác sản xuất kinh – doanh dịch vụ cây giống, hoa kiểng Hai Đê được thành lập với 17 thành viên. Anh Huỳnh Văn Dũng được các tổ viên tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Tất cả các thành viên trong tổ đều có tay nghề sản xuất cây giống, tuy nhiên, mỗi người chỉ có thế mạnh một vài loại cây nên không có điều kiện mở rộng quy mô. Khi vào tổ liên kết, cả tập thể đã có trên 30 chủng loại giống chất lượng. Do đó, Tổ hợp tác Hai Đê nhanh chóng làm ăn có hiệu quả, các thành viên đều có cơ hội ăn nên làm ra, cây giống của tổ được đi khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, miền Trung và Đài Loan. Chính vì thế, số thành viên của Tổ hợp tác Hai Đê đã lên đến con số 21, và hiện còn rất nhiều hộ đang nộp đơn xin vào.

Nét mới trong mô hình liên kết này là sự liên kết không căn cứ theo đơn vị hành chính mà dựa trên nhu cầu bổ sung lợi ích của các thành viên. Đây là mô hình mà chính quyền địa phương nơi đây đang tiếp tục theo dõi, nghiên cứu để bổ sung vào các hình thức liên kết trong nông nghiệp hiện nay.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *