Bên bờ hạnh phúc

2/ Tập quán, lễ nghi qua mỗi món ăn

Các món ăn được nhắc nhở đến như thế vì đã liên hệ đến tính chất của mỗi địa phương. Cho nên, trong lễ nghi cưới xin, miếng ăn biến thành lễ vật, thay đổi tùy theo từng vùng.

Sau mối tình khắn khít thì người con trai phải nhờ đến lễ nghi để hợp thức hóa cuộc sống chung tương lai.

– Anh thương em chẳng nại sang giàu

Mứt hồng đôi lượng, trà Tàu đôi cân.

– Ở đây đồng đất phố phường

Để anh mua cốm, mua hồng sang sêu.

Hay là lễ vật đơn sơ :

– Mâm trầu hũ rượu đàng hoàng

Cậy mai đến nói phụ mẫu nàng thì xong.

Hay là :

– Tay bưng quả nếp vô phòng

Đèn hương đôi ngọn, chữ bá tòng cầu hôn.

Cũng có vùng lấy sản phẩm địa phương làm lễ vật :

– Tiếng đồn con gái Phú Yên

Con trai Bình Thuận đi cưới một thiên cá mòi.

Cũng đôi khi cuộc tình duyên ép uổng đã làm khổ sở người con gái phải ngậm ngùi phục tùng lễ giáo, vâng lời tuyệt đối người trên, cha mẹ “đặt đâu thì ngồi đó”. Cái tập quán “ép uổng duyên con” ấy thường đi theo với sự ham muốn “môn đăng hộ đối”, sự tham lam lễ vật quá ư linh đình của nhà trai :

– Mẹ tôi tham thúng xôi rền

Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng

Tôi đã bảo mẹ rằng : “Đừng!”

Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào

Bây giờ kẻ thấp người cao

Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.

Lời than thân trách phận của người đàn bà bị ép duyên với người chồng không cân xứng nghe thật xót xa, não nùng.

Và đây, cũng ở trong vòng tập quán, khi nghe tiếng cu kêu báo hiệu mùa hoa nở đến, ta lại liên tưởng đến Tết, đến những ngày đầu xuân rảnh rang đầy những bữa ăn ngon, bao giờ cũng có nồi chè dân tộc :

– Cu kêu ba tiếng, cu kêu

Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè.

Hồi trước, ở nhà quê, lúc chế độ xôi thịt còn đang thịnh hành thì được làng chia cho một phần thịt thật là cả một vinh dự : “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”.

3/ Món ăn nhắc nhở đến tình yêu thương quê hương xứ sở

Như ta đã thấy, món ăn nói lên được những đặc sắc của mỗi địa phương, mang ít nhiều vết tích của tập quán, lễ nghi. Cao hơn nữa, các món ăn còn tiêu biểu phần nào cho tình yêu thương quê hương, nghĩa đoàn kết giữa đồng bào. Có phải lời lẽ tha thiết chứa đựng trong câu ca dao dưới đây là cả tiếng gọi thành khẩn và hiệu lực về mối đoàn kết giữa vùng rừng núi và miền biển cả, tượng trưng cho sự hòa hợp nhất trí của toàn thể đất nước :

– Rủ nhau xuống biển mò cua

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng

Em ơi chua ngọt đã từng

Non xanh nước biếc ta đừng quên nhau.

Ta đừng quên nhau cũng có nghĩa là ta phải yêu thương nhau, chung vai đấu cật, cùng đóng góp tài lực để xây dựng quê hương. Chẳng thế mà có người phải bùi ngùi tấc dạ khi tha phương cầu thực, gởi niềm nhớ đất nước vào nỗi thèm khát món ăn thô sơ của nơi chôn nhau cắt rốn :

– Ra đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.

Món canh rau muống, món cà dầm tương cũng như món cà non chấm mắm, cà già bỏ dưa dưới đây đã giữ trong lòng người dân niềm lưu luyến sắt đá đối với làng nước :

– Bồng em đi dạo vườn cà

Cà non chấm mắm, cà già làm dưa

Làm dưa ba bữa dưa chua…

Có phải hình ảnh nhàn hạ ở đồng quê yên vui đã giữ chặt con người với nơi chôn nhau cắt rốn :

– Ta về ta sắm cần câu

Câu lấy cá bống nấu canh tập tàng.

Lưu Văn – Tạp chí Tiến thủ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *