Bên bờ hạnh phúc

Đại Nghĩa nói sẽ chẳng bao giờ khán giả có thể thấy được khuôn mặt thật của nghệ sĩ hài như anh trên sân khấu. Theo anh, dù có buồn đến mấy, trước công chúng, nghệ sĩ hài không thể phụ lòng khán giả chỉ vì những muộn phiền của riêng mình.

Trên sàn diễn khiêu vũ thể thao của chương trình Bước nhảy hoàn vũ, do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, đang phát sóng mỗi tối chủ nhật trên VTV3, khán giả đã chứng kiến một Đại Nghĩa hài hước quen thuộc với kiểu hóa trang nhân vật “rất Đại Nghĩa”, không lẫn vào đâu được.

Đồng nghiệp của anh bảo nơi nào có mặt Đại Nghĩa là ở đó sẽ rộn ràng tiếng cười. Thật vậy, trên sân khấu kịch, các chương trình truyền hình hay ở ngoài đời, Đại Nghĩa cũng xuất hiện rầm rộ trong hình ảnh của một “người thích đùa”, không hóa trang lòe loẹt tưng bừng thì cũng tưng tửng chọc cười khán giả, mang niềm vui cho tất cả mọi người xung quanh.

Đại Nghĩa. Ảnh: Internet

 

Người gieo tiếng cười

Valeriya là diễn viên múa ba lê nên cô ấy luôn yêu cầu động tác nào của tôi cũng phải chuẩn. Tôi bị “ám ảnh” bởi khẩu hiệu “ưỡn ngực ra, hóp bụng vô” của cô ấy. Bụng mình… bự cơ mà, làm sao mà lúc nào cũng hóp vô theo yêu cầu được. Vậy là có lúc “sư phụ” buộc dây ngang bụng để… điều khiển tôi. Trời ạ, thấy mình học nhảy mà giống… con Kiki được dẫn đi công viên!” – Đại Nghĩa bắt đầu câu chuyện trên sàn tập Bước nhảy hoàn vũ của mình một cách hài hước.

Những ngày này anh khá bận rộn, vừa học nhảy vừa thu hình game show, lại phải tiếp tục đóng phim Gia đình phép thuật. Chạy như con thoi vào Nam ra Bắc, hết việc này đến việc kia nhưng Đại Nghĩa nói anh không thấy mệt, vẫn tràn đầy nhiệt tâm cống hiến, tận tụy như cách anh đã sống với nghề, vui với người trong suốt hơn 10 năm qua.

Thành công khi trở thành người gieo tiếng cười trên sân khấu kịch nhưng ít ai biết rằng đó không phải là sự lựa chọn ban đầu của Đại Nghĩa. “Hình như tổ đã “điểm mặt” tôi trở thành một diễn viên hài nên hết vở này đến vở khác, nhân vật của tôi đều có đất để chọc cười khán giả” – Đại Nghĩa nói vui.

15 tuổi, xác định mơ ước sẽ trở thành diễn viên kịch, cậu bé hiền lành có phần ít nói ngày nào cứ thế mà hoạch định từng bước để chạm vào ước mơ. Trở thành sinh viên Trường Cao đẳng sân khấu Điện ảnh TPHCM, Đại Nghĩa ghi điểm xuất sắc ở những vai bi kịch. Ngày ra trường, anh mong ước có được một vai chính kịch, nhưng bước vào nghề mới thấy mình nhỏ bé giữa “thánh đường nghệ thuật”. “Tôi cứ ngỡ những gì góp nhặt từ những vai diễn được đánh giá cao trong trường đủ cho mình có vốn liếng để đến với nghề. Nhưng không phải vậy, hơn 2 năm đầu tiên, tôi không có cơ hội được đóng những vai mà mình luôn mơ ước” – Đại Nghĩa hồi tưởng.

Và cũng trong suốt thời gian ấy, anh chỉ đóng những vai diễn rất nhỏ, xuất hiện năm, ba phút, có khi chỉ một câu thoại trên sân khấu. Để những vai nhỏ xíu ấy không dễ bị lãng quên, Đại Nghĩa buộc phải tự sáng tạo, tìm cái duyên cho những vai diễn. Vậy là từ Anh chàng xỏ lá, Mười hai bà mụ, Công chúa ngủ trong rừng, Sông dài… đến Na Tra đại náo thủy cung, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Cậu bé rừng xanh, Bạch Tuyết và bảy chú lùn…, Đại Nghĩa luôn khiến khán giả phải nhớ đến những nhân vật của anh. Cứ thế, dần dần nâng tầm và đến bây giờ, kẻ chuyên trị vai nhỏ ngày nào đã có một vị trí lớn trong lòng khán giả.

“Tôi đi chậm theo thời gian, chờ đợi và xem những vai diễn nhỏ là những viên sỏi đầu tiên cho con đường của mình. Nhỏ bé đó, ít ỏi đó nhưng tất cả góp nhặt lại sẽ là cả một hành trang. Tôi trân trọng con đường mình đi, tất cả những gì đã trải, đã làm để có thể là tôi-của-hôm-nay, với tôi đều có ý nghĩa vô cùng” – thằng Mõ của vở kịch Chuyện làng Ung chia sẻ.

Diễn viên Đại Nghĩa cùng bạn nhảy Valeriya Nikolaeva trong Bước nhảy hoàn vũ. Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG

 

Sống và lắng lại

Tuổi trẻ sống hồn nhiên, say mê vươn theo ước vọng nhưng thời gian đi qua, khắc lên cuộc đời một hành trang đủ nặng thì cũng là lúc nhân vật Cá mặt Ngu của vở Na Tra đại náo thủy cung trầm tĩnh lại, nhận diện cuộc sống thấu đáo hơn.

“Cuộc đời của mỗi người có nhiều giai đoạn khác nhau, tôi đã qua thời ấp ủ ước mơ, trải qua một thời gian dài phấn đấu để khẳng định mình. Hơn 10 năm trước, tôi lơ ngơ bước vào sân khấu với ước vọng duy nhất là được sống với nghề, được khán giả nhớ mặt, biết tên. Còn bây giờ, tôi thấy mình đang ở giai đoạn dồn sức cống hiến. Chỉ khác một điều là bây giờ tôi đã biết dừng lại một chút, biết sống cho mình hơn, tìm về với nội tâm của chính mình” – Đại Nghĩa tâm sự.

Con người lặng đi trước cuộc đời là khi người ta đôi lần đi qua nỗi đau, nhìn thấu nó, nhận diện nó và giữ lại cảm xúc riêng mình. Người bình thường có thể khóc, cười hồn nhiên nhưng nghệ sĩ hài thì không. Nước mắt chỉ có thể rơi ở phía thăm thẳm một mình. Nỗi đau chỉ có thể dỗ lặng trong tim. “Sẽ chẳng bao giờ khán giả có thể thấy được khuôn mặt thật của nghệ sĩ hài trên sân khấu. Dù có buồn đến mấy thì trước công chúng, vẫn là trách nhiệm rất lớn lao, không thể phụ lòng hàng ngàn khán giả chỉ vì những muộn phiền của riêng mình” – Đại Nghĩa nói vậy.

Và cũng vì trách nhiệm của người gieo tiếng cười mà không ít lần anh chọc cười khán giả nhưng trong lòng thì quặn thắt. Trên sân khấu, tiếng nói của nhân vật vẫn lảnh lót, lả lướt và hài hước, bên dưới khán giả được dịp cười rần rần, không ai biết khuôn mặt thật của nghệ sĩ đằng sau tấm vải che hóa trang là những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống, buồn thấu ruột gan. “Cái gì cũng có giá của nó cả. Nghề cho tôi niềm vui, hạnh phúc, cuộc sống nhưng tôi cũng phải trả lại cho nghề công sức, mồ hôi, nước mắt, sức khỏe và những hy sinh” – gương mặt cười của sân khấu kịch nói vậy.

Và cứ thế, anh không chỉ là người gieo tiếng cười trên sân khấu kịch mà ở ngoài đời cũng vậy, vẫn tràn đầy những nụ cười lạc quan và niềm vui hồn nhiên như món quà đầy sức sống mà Đại Nghĩa dành tặng cho người, cho nghề, cho mình…

Theo nld
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *