Bên bờ hạnh phúc

Người Nhật thường chuộng những vật nhỏ nhắn và tinh tế. Trong thú câu cá tiêu khiển cũng vậy, rất nhiều người say mê câu những chú cá chỉ bằng ngón tay.

Rất nhiều người say mê câu những chú cá chỉ bằng ngón tay

 

Cá tanago có kích thước chỉ khoảng 5 cm. Để câu loại cá này, người ta phải sử dụng loại cần câu tương xứng. Cá tanago sống chủ yếu ở sông hồ, nhưng hiện nay, tại Nhật, số lượng của chúng không còn nhiều do môi trường sống bị ô nhiễm.

Địa điểm câu cá thường là ngoài tự nhiên, ở sông suối, hồ hoặc biển. Nhưng cũng có một số người nghĩ ra kiểu câu cá giải trí mà không cần di chuyển ra khỏi nhà: thả những chú cá nhỏ medaka trong chậu nước đặt giữa phòng và ngồi câu. Câu cá bằng cách này, người câu có thể nhìn tường tận những chú cá medaka có kích thước khoảng 2 cm đang tung tăng bơi lội trong chậu nước.

Hiện nay, có một kiểu câu cá rất thịnh hành tại Nhật Bản – câu cá bằng mồi giả, hay còn gọi là Lure fishing. Câu bằng mồi giả rất tiện lợi vì người câu có thể thả câu ở bất kỳ vùng nước nào và họ chỉ cần mang theo vài con mồi giả có hình cá hoặc côn trùng… Những con cá mắc câu thường là loại cá to.

Mồi giả có hình dáng và thiết kế trông giống như con cá thật

 

Mồi giả có hình dáng và thiết kế trông giống như con cá thật. Đặc trưng của mồi giả là trên thân của nó có gắn lưỡi câu. Những con cá mồi giả được chế tạo tinh xảo đã góp phần mang lại danh tiếng cho môn lure fishing tại Nhật.

Trong môn câu cá mồi giả, những con cá mắc câu thường là những con cá lớn

 

Trong môn câu cá mồi giả, yếu tố quyết định khác là kỹ thuật thả mồi và di chuyển con mồi trong nước. Người câu lure fishing phải làm cách nào để rê mồi giả tựa như cá thật đang bơi. Mục đích của kỹ thuật câu này là sử dụng sự dịch chuyển, dao động và màu sắc của con mồi để hấp dẫn những chú cá và kích thích cá cắn câu. Do đó, câu cá mồi giả được xem là một môn câu khó, đòi hỏi người câu phải có kỹ năng tốt.

Câu cá không chỉ là trò tiêu khiển được nhiều người dân Nhật Bản ưa thích mà còn được đưa vào tác phẩm truyện tranh kinh điển được cả thế giới biết đến. Đó là loạt truyện tranh “Tsuri-kichi Sanpei”, tạm dịch “Tiểu ngư Sanpei”, ra đời vào những năm 1970. Truyện kể về cậu bé Sanpei có tài săn bắt cá bẩm sinh, được sinh ra tại vùng đất có nhiều cảnh thiên nhiên hoang dã. Chính điều đó trở thành nhân tố tuyệt vời giúp Sanpei học hỏi, trau dồi và ngày càng hoàn thiện thêm kỹ năng câu cá mà chính cậu cũng không hề hay biết.

Tiểu ngư Sanpei nói lên khát vọng tiến về phía trước của con người qua hình ảnh của cậu bé muốn đương đầu với thử thách để rèn luyện kỹ năng và chinh phục mọi dòng sông để bắt được những chú cá khổng lồ

 

Tác giả của “Tiểu ngư Sanpei” là họa sĩ truyện tranh nổi tiếng người Nhật Yaguchi Takao. Tác phẩm là sự thể hiện ước mơ của ông và nhiều tình tiết trong đó được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn của chính tác giả.

Ông Yaguchi sinh ra và trải qua thời niên thiếu tại tỉnh Akita. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã theo cha mình ra con sông gần nhà để câu cá. Sự thích thú trong những chuyến đi câu dần lớn lên và trở thành niềm đam mê đối với cậu bé Yaguchi.

Cùng với câu cá, Yaguchi còn yêu thích vẽ tranh và đọc truyện tranh. Khi cùng gia đình chuyển đến Tokyo sinh sống vào năm 13 tuổi, cậu bé được tiếp xúc với những cuốn truyện tranh nổi tiếng. Yaguchi sáng tác truyện tranh “Tiểu ngư Sanpei” vào năm 30 tuổi. Tác phẩm được đăng tải trên tạp chí hàng tuần Shonen từ năm 1973 đến năm 1983.

Tác phẩm "Tiểu ngư Sanpei" còn được dựng thành phim

 

“Tiểu ngư Sanpei” nhanh chóng được chào đón nồng nhiệt và trở thành loạt truyện tranh được yêu thích ở Nhật. Tác phẩm đã được dựng thành phim điện ảnh vào năm 2009.

“Tiểu ngư Sanpei” lôi cuốn mọi người bởi nó nói lên khát vọng tiến về phía trước của con người qua hình ảnh của cậu bé muốn đương đầu với thử thách để rèn luyện kỹ năng và chinh phục mọi dòng sông để bắt được những chú cá khổng lồ.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *