Bên bờ hạnh phúc

Ngoài kiểu câu cá cổ điển ngồi bên bờ sông, hồ hay trên ghềnh đá, người dân Edo lúc bấy giờ còn chèo thuyền ra giữa dòng và buông câu. Đặc biệt, họ rất say mê thú câu cá bống Haze-tsuri trên vùng biển thuộc vịnh Tokyo. Ngày nay, thú câu cá bống trên thuyền ở khu vực vịnh vẫn được người dân thủ đô của Nhật Bản rất ưa chuộng.

Trước khi bắt đầu thả câu cá bống, một số người cẩn thận mặc trang phục câu cá truyền thống, đeo chiếc tạp dề trước bụng và mang bao tay. Kế đến, họ lắp ráp chiếc cần Wazao và điều chỉnh dây câu. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng này thể hiện tính nghiêm túc của người câu cá chuyên nghiệp.

Mồi ưa thích nhất của cá bống là loại trùng xanh có tên aoi-shome. Cá bống sinh sống chủ yếu ở môi trường nước lợ – nơi gặp gỡ giữa luồng nước ngọt chảy từ sông Sumida và nước mặn ở cửa vịnh Tokyo.

Câu cá bống haze là thú tiêu khiển được người dân thủ đô Tokyo ưa thích

 

Mùa câu cá bống truyền thống của người dân Tokyo bắt đầu vào tháng 9 khi cá vào mùa sinh sản. Cá bống haze là loại cá nhỏ, phân bố nhiều ở các vùng nước lợ thuộc châu Á Thái Bình Dương, kích thước khi trưởng thành của nó chỉ khoảng 20 cm. Cá bống haze rất háu mồi nên những người câu haze-tsuri thường sử dụng cùng lúc đến 2 chiếc cần và họ phải thao tác luôn tay.

Haze-tsuri chỉ là một trong vô số kiểu câu cá đặc trưng của người Nhật. Quốc gia này không chỉ có biển mà còn sở hữu rất nhiều sông suối, đó là môi trường sống lý tưởng của các loại cá nước ngọt và là nguồn gốc hình thành môn câu cá sông.

Cá Ayu nằm trong số các loài cá được những người câu cá sông chuộng nhất. Để câu được những con cá nhỏ Ayu, người ta dùng đến kỹ thuật câu Tomo-zuri.

                           Kiên nhẫn chời đợi cá Ayu mắc câu và thành quả thu được

 

Đến mùa xuân, mùa sinh sản, cá Ayu di cư từ duyên hải vào sâu trong sông để đẻ trứng. Vòng đời của chúng chỉ kéo dài 1 năm. Cá Ayu là loài rất xem trọng lãnh thổ cư trú. Giữa chúng có sự phân chia địa phận rõ ràng.

Dựa vào đặc tính này, người Nhật đã nghĩ ra cách câu cá Ayu rất độc đáo. Họ gài con cá Ayu sống vào dây câu để làm mồi nhử. Cá mồi, cùng một móc câu phía sau nó, được thả xuống sông. Trong lúc bơi lội trong nước, cá mồi sẽ đi vào địa phận của những con cá Ayu khác. Sự khiêu khích này ngay lập tức được đáp trả bằng những đợt tấn công của cá chủ nhà nhắm vào kẻ xâm phạm lãnh thổ. Và đây là lúc kẻ tấn công bị mắc bẫy. Chỉ chờ có vậy, người câu cá kéo nhanh lưỡi câu về phía họ để bắt lấy cá mồi lẫn cá bị mắc câu.

Quá trình câu cá Ayu bằng mồi sống qua tranh vẽ

 

Thời điểm cao trào của mùa câu cá Ayu ở Nhật là vào tháng 6 hàng năm. Lúc này, các tay câu chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đổ về các khúc sông nổi tiếng có cá Ayu ở tỉnh Gunma. Ngày nay, mùa câu cá Ayu không chỉ hấp dẫn người dân bản xứ mà du khách nước ngoài cũng rất hào hứng với kiểu câu cá có một không hai này.

Trước sự ưu đãi của thiên nhiên với nguồn thủy sản dồi dào, người Nhật còn nghĩ ra nhiều cách khác nhau để khai thác nguồn lợi này một cách hiệu quả nhất.

Vào mùa hè, ở tỉnh Tochigi, nhiều khúc sông nước cạn và trong đến mức có thể nhìn thấy đáy sông. Một số người tận dụng thời điểm này để câu cá thư giãn với một kiểu câu rất đặc biệt. Người câu cá lội dọc theo lòng sông, dùng kính phóng to để soi xuống mặt nước tìm kiếm những con cá bé xíu và thả mồi câu. Kẻ mắc mồi là cá Kajika – loại cá nhỏ có kích thước trung bình chỉ khoảng 10 cm. Cá Kajika sống chủ yếu trong các hốc đá bên dưới đáy sông cạn, chúng rất háu ăn nên chỉ cần soi kính nhìn thấy chúng và thả mồi câu là cá ăn ngay.

Tuy phần lớn cá Kajika có kích thước khá nhỏ nhưng đôi lúc, người câu may mắn cũng gặp được những con khá to. Vì cá rất dễ ăn mồi nên cả người lớn và trẻ em đều rất thích câu loài cá này.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *