Bên bờ hạnh phúc

Phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tạo điều kiện để các gia đình chính sách nâng cao cuộc sống. Song, không hoàn toàn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều gia đình chính sách đã nỗ lực phấn đấu vươn lên chiến thắng đói nghèo, có cuộc sống ổn định.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, năm 1983, sau khi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, anh Nguyễn Văn Đẹp lên đường sang nước bạn Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Trong một lần cùng đại đội hành quân, anh bị thương mất một chân và được đơn vị cho phép xuất ngũ.

Trở về với cuộc sống đời thường khi không có nghề nghiệp, không có đất sản xuất, nhưng với ý chí không chịu khuất phục trước khó khăn, anh đã chọn nghề chẻ củi mướn để mưu sinh bằng chính sức lao động của mình.

Trong quá trình chẻ củi mưu sinh, anh Đẹp luôn nghĩ, nếu chỉ lấy sức để đổi miếng ăn như thế này thì chẳng bao giờ cuộc sống khá lên. Từ suy nghĩ đó, anh đã dành dụm tiền để mua 1 chiếc ghe nhỏ làm phương tiện đi mua củi cành đem về bó nhỏ đem bán. Cứ thế, làm được vài năm, anh mua được 500met vuông đất và cất được căn nhà tươm tất. Từ số tiền tiết kiệm được của gia đình và vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách thông qua Hội Cựu chiến binh xã, anh đã mua được chiếc ghe lớn hơn và sắm cưa máy để đốn củi. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh đã không ngừng vươn lên với thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng mỗi năm; nhà cửa khang trang hơn và các con anh được học hành, có nghề nghiệp ổn định.

Với tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm vượt lên chính mình để chiến thắng nghèo nàn, những người lính cụ Hồ đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ xứng đáng là những người thương binh kiểu mẫu của thời kỳ đổi mới đất nước.

Minh Nguyệt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *