Bên bờ hạnh phúc

Márai Sándor

Tôi hắng giọng, lấy hơi và bắt đầu nói – một mình trong căn phòng cách âm của Đài phát thanh. Trên bàn, một quả cầu nhỏ bằng thủy tinh màu đỏ báo hiệu tiếng nói của tôi đã được truyền tới đài phát và giờ đây, trên một bước sóng nhất định, nó đang lan truyền trong không trung, đâu đó giữa Australia và phố Sándor ở Pest.

Đôi lúc, giọng tôi ngắc ngứ, tắc nghẹn. Vừa đọc, tôi vừa nghĩ : “Con người không thể quen nổi việc này. Lúc này là tối chủ nhật. Có một chuyến tàu đi trên biển phía Nam đầy những người Hung di cư và trong lúc buồn, một ai đó trong số họ đã mở đài và nghe thấy tôi nói. Một ai đó ở Greenland đang dò sóng và giọng nói của tôi chợt vang lên trên những núi băng. Lúc này, tôi vĩ đại như con người chưa từng vĩ đại như thế, ngay cả Attila (1) cũng không và Richard Sư tử Tâm (2) cũng không. Thế giới này thuộc về tôi. Tôi nói gì với thế giới? Thời Trung đại, những Đức Giáo hoàng, những bậc vương giả hùng vĩ từng mơ ước có lần được nói chuyện với thiên hạ như thế, trực tiếp và thân thiện. Lẽ nào người ta lại có thể quen được với thứ quyền năng này hay sao? Chưa bao giờ, con người khổng lồ và vô biên đến vậy!”.

Tôi đọc tiếp. Tôi đang nói chuyện cùng thế giới, tuy nhiên, tôi lại không thể nói một chút gì về điều làm trái tim tôi đau đớn. Nói chuyện với vô biên cũng có phép tắc của nó.

Chưa bao giờ con người bất lực như thế này – tôi nghĩ trước microphone và nuốt khan một cái.

Có thể ở Greenland, người ta đã nghe được tiếng nuốt khan ấy và đã hiểu.

Giáp Văn Chung dịch

———————–

(1) Attila : (Etele, khoảng 406 – 453), lãnh chúa vĩ đại của những người Hun (Hung) ở châu Âu, thống trị một đế chế khổng lồ từ Trung Âu tới bờ biển Đen, từ sông Duna tới biển Baltic, trong khoảng thời gian từ năm 434 cho tới khi mất.

(2) Richard Sư tử Tâm : Richard I (1157 – 1199), vua của Anh quốc và đế quốc Angevin từ 6/7/1189 đến khi băng hà. Trước khi lên ngôi, ông đã được mệnh danh là “Richard Sư tử Tâm” bởi tài lãnh đạo quân sự kiệt xuất. Khi mới 16 tuổi, Richard lãnh đạo quân đội của ông dẹp tan các cuộc nổi loạn ở Poitou chống lại Phụ vương Herry II của Anh. Richard còn là Tổng Tư lệnh Thiên chúa giáo trong cuộc Thập tự chinh thứ III sau cuộc khởi hành của Philippe Auguste và đã thành công trong cuộc chiến chống lại đối thủ Hồi giáo là Saladin. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *