Đồ ngọc của thời kỳ đồ đá mới giúp người thời nay tái hiện thế giới tinh thần phong phú của người cổ đại nhưng chúng cũng để lại cho người thời nay nhiều điều nghi vấn.

Đặc tính của ngọc là cứng, chắc và có khả năng chống ăn mòn, khả năng chiết quang và phản quang mạnh. Độ cứng của ngọc chỉ đứng sau kim cương. Người thời nay dùng công cụ hiện đại để cắt gọt, mài nhẵn và chạm khắc ngọc. Công việc chạm khắc trên ngọc thạch phức tạp, vượt xa sự tưởng tượng của nhiều người. Vậy người cổ đại đã dùng công cụ gì để gia công, chế tác ngọc? Nhiều chuyên gia khảo cổ suy đoán, người cổ đại đã dùng dây da làm công cụ chế tác. Dưới sự hỗ trợ của nước và cát, họ từ từ cưa đôi khối ngọc thạch.

Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, sự ra đời của nhà Hạ và nhà Thương đã đánh dấu sự thay thế xã hội nguyên thủy kéo bằng xã hội tư hữu. Trung Quốc từ đó bước vào xã hội nô lệ.

Năm 1976, đội khảo cổ huyện An Dương, tỉnh Hà Nam đã tiến hành khai quật ngôi mộ Phụ Hảo – phu nhân của vua Vũ Đinh – vị vua thứ 22 của triều nhà Thương. Công việc khai quật đã gây chấn động trong và ngoài nước vì đây là ngôi mộ hoàng thất đời Thương chưa bị bọn trộm mộ đào xới. Đồ tùy táng trong mộ rất phong phú, trong đó có hơn 755 cổ vật bằng ngọc cùng nhiều cổ vật quý giá khác.

Phụ Hảo không chỉ là phu nhân của vua Vũ Đinh mà còn là một nữ tướng tài giỏi

 

Cổ vật trong ngôi mộ Phụ Hảo được đánh giá là cổ vật bằng ngọc đời Thương tốt nhất được tìm thấy hiện nay, ước tính có niên đại lịch sử hơn 3.000 năm. Và đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ phát hiện đồ ngọc Hòa Điền, Tân Cương trong mộ Phụ Hảo. Vì sao đồ ngọc Hòa Điền ở nơi xa xôi lại xuất hiện tại trung nguyên? Chuyên gia khảo cổ nghĩ ngay đến trận chiến giữa vua Vũ Đinh với dân tộc du mục phương Bắc Quỷ Phương thời cổ. Việc khai thác ngọc là nguyên nhân dẫn đến trận chiến của vua Vũ Đinh với dân tộc Quỷ Phương thời cổ. Theo dân tộc Quỷ Phương, ngọc là báu vật. Họ không cho vua Vũ Đinh khai thác và chiến tranh đã nổ ra.

Theo quyển ghi chép Giáp cốt văn, Phụ Hảo không chỉ là phu nhân của vua Vũ Đinh mà còn là một nữ tướng tài giỏi. Bà đã lập nhiều chiến tích lẫy lừng cho nhà Thương. Từ những văn vật bằng ngọc khai quật được trong mộ Phụ Hảo, người thời nay có thể cảm nhận được sự sủng ái mà vua Vũ Đinh dành cho bà. Cổ vật quý giá nhất trong mộ Phụ Hảo chính là tượng người bằng ngọc với nhiều kích thước và tư thế khác nhau, nét mặt sinh động như thật. Mái tóc ngắn là kiểu tóc được ưa chuộng nhất vào lúc bấy giờ.

Những cổ vật bằng ngọc tìm thấy trong khu mộ Phụ Hảo

 

Do ảnh hưởng của tư tưởng Nho gia, trong quá trình phát triển văn hóa đồ ngọc ở Trung Quốc, từ việc chỉ dùng trong hoạt động cúng tế trời đất và thần linh, đồ ngọc dần phát triển thành đồ trang trí trên trang phục để thể hiện nhân thân và địa vị của tầng lớp quý tộc thời cổ.

Người Trung Quốc rất thích sử dụng đồ ngọc và cũng có khái niệm rất rộng về ngọc. Ban đầu, những khối đá đẹp được gọi là ‘ngọc’. Dần về sau, qua quá trình so sánh và sàng lọc, người xưa đã chọn ngọc sản xuất ở vùng Hoà Điền, tỉnh Tân Cương là loại ngọc thượng hạng. Hơn ngàn năm sau, ngọc Hòa Điền đã chiếm giữ vị trí cao trong tất cả các loại đá quý. Do quá trình mài giũa đồ ngọc hao tốn nhiều sức người và thời gian nên việc chế tác đồ ngọc bị hạn chế. Đồ ngọc trở thành vật chủ yếu được tầng lớp quý tộc sử dụng.

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *