Bên bờ hạnh phúc

Tháng 2 năm 2007

Trong một tối lang thang ở Đà Lạt, trời cũng đã khuya, khuya lắm, cũng tầm 12h… đường phố Đà Lạt vắng lạnh, gió cứ rít từng cơn lạnh, với một người như tôi thì cảnh đó có vẻ lãng mạn thậm chí có phần thích. Rồi tôi để ý trong một trạm xe buýt gần đó, gần bùng binh ở Hồ Xuân Hương, một ông cụ trải ra 2 tấm mền, 1 tấm trải xuống đất để nằm, 1 tấm dùng để đắp… Mọi sự lãng mạn và êm đềm trong tôi biến mất, chỉ còn lại cảm giác xót xa. Tôi dừng lại gửi cụ ít tiền rồi bước đi mà lòng thấy đau. Tôi không biết rồi ông cụ chịu được bao nhiêu đêm lạnh giá của Đà Lạt nữa.

Tháng 7 năm 2008

Gần đây tôi thường đi ngang qua Cầu Kinh, cây cầu bắc qua đảo Thanh Đa. Tôi chú ý một ông cụ thường ngồi bán một vài trái mít, trái bưởi… ít lắm, chẳng nhiều nhặn gì, nếu mà có bán hết mớ đó cũng không biết ông cụ lời được bao nhiều. Vậy mà có những đêm trời mưa lất phất, lạnh lắm… đi ngang vẫn thấy ông cụ trùm 1 cái áo mưa, ngồi co ro… Chỉ ước được nói: “cụ ơi cụ về đi, trời mưa thế này có được ai sẽ dừng lại mua đồ”. Tôi đi qua, không thể dừng lại được vì xe tôi không được dừng giữa cầu – cũng như những người khác đã đi qua… chỉ có đúng một từ có thể diễn tả được tâm trạng của tôi: “đau lòng”, ngay lúc này viết những câu này tôi vẫn thấy đau lòng.

Một đêm khuya gần đây

Sau một đêm ăn uống cùng vài người bạn, tôi về nhà, trời đã gần 12 giờ khuya, vắng lắm, rẽ vào con đường về đêm vắng vẻ. Tôi thấy hình dáng một bà cụ già, đẩy một chiếc xe mà không biết gọi là gì, chỉ biết nó có 3 cái bánh nhỏ, xe là một cái thùng. Bà cụ ngồi lui cui tìm trong những đống xà bần những mảnh ve chai. Giờ đó là giờ mà người khác đang ngủ say, thế mà một bà cụ già lại phải cặm cụi đi nhặt từng mảnh ve chai. Tôi dừng xe lại đưa cho cụ ít tiền, phận nhỏ tôi cầm 2 tay đưa cụ đã đành, thế mà cụ cũng cầm 2 tay rồi run run ấp úng, mãi mới được câu “cám ơn cậu, chúc cậu may mắn nhé”. Tôi bước lên xe, không dám đóng cửa lại ngay mà phải chạy đi một đoạn mới dám đóng cửa, tôi sợ tiếng đóng cửa như một sự phũ phàng nào đó…

Một tối về nhà sớm

Tôi sang nhà ba mẹ ăn cơm, chợt trên ti vi có chương trình phát về những người nghèo, có một đoạn kể về một gia đình có 2 mẹ con, người con bị tàn tật không lao động được, người mẹ già phải nấu bánh để bán. Người tàn tật được nhà nước trợ cấp, tôi đã chuẩn bị để nghe một con số thật thấp, khoảng chừng 200 ngàn / tháng, nhưng rồi tôi ngỡ ngàn khi nghe con số 57 ngàn đồng một tháng tiền trợ cấp. 57 ngàn đồng, bằng giá 1 ly nước trong một quán cà phê ở Sài Gòn…

Một buổi tiệc

Một người bạn, tạm gọi là thuộc hàng đại gia, xe đi bạc tỉ. Mời một số anh em, khoảng 10 người, ăn uống trong một nhà hàng sang trọng, rồi sau đó xuống vũ trường bên dưới… Cuối buổi tiệc số tiền thanh toán… 2600$. Bốn mươi ba triệu cho một đêm ăn uống. Tôi tự hỏi bốn mươi ba triệu sẽ làm được bao nhiêu việc cho những người nghèo ở trên. Và mang bốn mươi ba triệu để đãi 10 người có cuộc sống khá đầy đủ. Thấm thía câu nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, sao lại mang một gói đi cho một nhóm người no?

Viết lại những câu chuyện này để chia sẻ với các bạn, trong cuộc sống đôi khi ta bị một điều gì đó nặng nề, bị mất đi tình cảm, bị tổn thương, bị áp lực công việc, và đôi khi ta muốn buông xuôi, ta biết đâu rằng những điều đó vẫn chỉ là những điều rất nhỏ so với những cơ cực đến cùng cực của nhiều cảnh đời khác. Để ta có nghị lực tiếp tục vươn lên đi tới.

Và cũng là để tự thấy xấu hổ với bản thân vì đã có những lúc tiêu xài hoang phí, để tự nhắn nhủ rằng tôi và bạn, chúng ta, tuy không phải là đại gia giàu có, vẫn có thể làm được điều gì đó cho những người khác, và cho cả chúng ta!

Thương lắm quê hương cơ cực!

Theo Ngọc Hiếu (Nguoiduatin.net)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *