Bên bờ hạnh phúc

Cô T. con ông chú vợ tôi hôm qua đến chơi, khoe : Em mới mua được 12.000 m2 đất trên Mộc Châu làm nhà nghỉ cuối tuần. Chúng em dự định thuê công ty kiến trúc Mùa Xuân vẽ một cái nhà kiểu thế này thế này với tường bao bằng đá ong, có từng này phòng ngủ, mái ngói đỏ, cửa sổ xanh, rồi vườn tược trồng các loại hoa tươi cỏ lạ, rồi bể bơi…

Cô ấy thao thao bất tuyệt, khoa chân múa tay một thôi một hồi. Phải nói là cái nhà nghỉ trong mơ đó rất đẹp nếu cô ấy làm được, mà chắc là làm được thôi bởi vì cô này cũng thuộc loại khá giả, lại có gu nữa. Vừa nghe T. nói, tôi vừa nghĩ hình như có một điều gì đó không phải, không thuận lắm trong cái dự án này và tôi muốn lựa lời góp ý. Đợi cho T. hạ hoả, đến lúc tiễn ra cửa, tôi mới mạnh dạn bàn góp : Cái sự cờ ngoài bài trong của tôi có thể làm cô không vui nhưng chưa chắc đã thừa, cô tham khảo xem sao. Cô nên rủ độ mươi người bạn cùng công ty, mua chung, xây chung, sau đó lập một cái lịch “phân công nghỉ”, mỗi gia đình có trách nhiệm một năm hai lần cố gắng thu xếp rời Hà Nội, thay phiên nhau lên Mộc Châu nghỉ hai tuần, để đất đó nhà đó luôn được có hơi người. Miếng đất to thế, giả sử cô phải nghỉ một mình thì nghỉ sao hết, ngay cả nhà nghỉ cũng cần có hàng xóm chứ. Nhưng quan trọng hơn, nếu không rủ rê được ai thì thử hỏi một năm cô sẽ lên đó mấy lần? Mỗi lần ở lại được mấy tuần? Phần lớn thời gian sẽ là khoá cửa để không. Đất không có người ở, nhà không có người ở, đất buồn, nhà cũng buồn. Đất và nhà cũng biết buồn đấy cô em ạ. Hình thức kiểu cách kiến trúc này nọ, đẹp gì thì đẹp nhưng để cái nhà phải ở một mình quanh năm nơi rừng xanh núi đỏ, để cái nhà phải tủi buồn vì mình, ngong ngóng đợi chờ mình ngày này qua tháng khác thì đẹp mà làm gì? Đất, nhà, người đều cần có hơi của nhau thì mới đẹp được.

Ngôi nhà ở Ô Quy Hồ

Một ngày áp Tết cách đây vài năm, đi Sa Pa, qua Ô Quy Hồ một đoạn, tôi chợt nhìn thấy một ngôi nhà nằm trơ trọi giữa lưng chừng núi. Tò mò leo lên, cửa chính khoá, nhìn qua cửa sổ, trong nhà không có đồ đạc gì, bếp ở gian giữa, chỉ còn ít tro, vài ba mẩu củi cháy dở, nền nhà rêu mọc xanh rì, không tiếng chó sủa, không tiếng heo kêu. Chắc chủ nhà đã bỏ đi từ lâu, đến một nơi nào đó nhưng anh ấy không nỡ phá đi ngôi nhà cũ hoặc cũng có thể, anh ấy đang rong ruổi trong một chuyến làm ăn xa nhưng lâm cảnh thất bát, đồng chịu đồng nợ mà chưa thể quay về. Chỉ có điều, năm cũ sắp qua, mùa xuân đang đến, những cây đào, cây mận quanh nhà vẫn nở hoa, những cánh đào phai cuốn trong gió, những cánh đào ngập lối chờ đợi chủ trở về. Một ngôi nhà bình dị, mái lợp cỏ tranh, tường đất, những cánh cửa đã xệ xuống, mấy cột hiên cong queo bạc phếch… nhưng vẫn đẹp, buồn nhưng đẹp. Trên đường về, tôi cố lý giải điều này. Có lẽ tôi đã nhầm, dù chỉ là cảm giác ban đầu : Ngôi nhà đó không hề nguội lạnh, không chết. Nó vẫn đang sống, nó vẫn đẹp vì nó vẫn đang nhớ người chủ của nó và vẫn chờ mong điều kỳ diệu sẽ đến : Bỗng dưng một ngày nào đó, người chủ nhà sẽ quay về.

Thêm chuyện nữa. Tôi có một người bạn ở mạn Hoà Bình, anh ta được bố mẹ dựng cho cái nhà sàn khi lập gia đình, gần cả đời anh sống trong ngôi nhà đó, gắn bó lắm. Thế rồi cách đây 20 năm, anh ta phải chuyển đi nơi khác vì cái bản anh ở nằm trong quy hoạch làm thuỷ điện. Có tiền đền bù, anh mua đất, xây một ngôi nhà ống 3 tầng ngoài thị xã. Nhưng làm sao quên được cái nhà sàn với hàng cột lim hơn mười tấc, mái lợp gỗ ván pơ-mu, khau cút hình hoa sen ở đầu mái… Thế là thỉnh thoảng, anh len lén trốn vợ, trốn con chèo thuyền ra giữa lòng hồ mênh mông : dưới sâu mươi thước nước chính là căn nhà cũ. Anh lặn xuống, bơi quanh nhà một vòng, sờ sờ nắn nắn vào hàng cột lim cho vơi nhớ.

Đâu chỉ là nhớ nhà. Ngôi nhà mới xây ngoài thị xã to, đẹp, khang trang và tiện nghi nữa, nhưng ở mấy năm rồi mà vẫn không quen được, vẫn như người ở nhờ. Mỗi người có một kiểu đẹp của mình, nhà cũng là người, nhà nào người ấy. Ở với cái đẹp khác mình thì không ở được. Có những cái, đẹp thì đẹp thật đấy, nhưng không hợp với mình, không chung sống được với mình. Sớm muộn rồi cũng phải bỏ đi thôi. Kiểu cách hình thức của một ngôi nhà tưởng là chuyện bề ngoài, hoá ra, nó lại can hệ sâu nặng với cả một mệnh người.

Trở lại chuyện của ông bạn tôi. Tuổi đã cứng, thay đổi thói quen đâu dễ gì, mỗi năm sức một yếu và lạ là ở chỗ, càng có tuổi thì lại càng hay hồi cố. Cái bệnh thèm nhà cũ ngày một nặng, đêm đêm hành hạ anh ấy. Nhưng sức đâu, lực đâu mà bơi mà lặn về nhà. Một hôm, hai vợ chồng bàn bạc với nhau, để lũ con ở lại nhà mới, bọn trẻ vốn hay quên và thích ứng với cái mới rất nhanh nên đồng ý ngay với kế hoạch “tái định cư” của bố mẹ. Hai vợ chồng già vào rừng kiếm gỗ đóng một cái thuyền to, cột kèo chắc chắn, cũng có mái lợp gỗ pơ-mu, có bếp… Cái thuyền giống như một ngôi nhà sàn di động. Họ quyết định sống hẳn trên thuyền, sống đời sông nước nốt những năm còn lại. Họ hay neo thuyền ở vùng lòng hồ gần ngôi nhà cũ.

Riêng ở Việt Nam thôi đã có biết bao nhiêu loại nhà. Nhà ở đồng bằng Bắc bộ : ba gian, hai chái. Nhà sàn ở vùng núi, nhà rường ở Huế, nhà thảo bạt, bát dần, xếp đọi, nhà rông, nhà gươl… Mỗi nhà mỗi kiểu, mỗi vùng mỗi kiểu, mỗi thời mỗi kiểu, mỗi tộc người một kiểu, chẳng cái nào giống cái nào.

Nhà phải riêng, nhà trước tiên phải là chính mình. Nhà đẹp thì khó, nhà xấu thì không bàn làm gì. Nhưng xấu đẹp chưa quan trọng, kiểu này cách nọ chưa quan trọng, nó phải là mình.

Chợt nhớ một câu của nhà thơ Bảo Chân :

Nếu ngôi nhà giữa khoảng trời biến mất
ở chỗ của nó
sẽ còn mây…

Và tôi nghĩ, cho dù ngôi nhà có khoác trên mình nó một cái áo hình thức nào đi chăng nữa thì cũng không quan trọng. Cuối cùng, cảm giác mà nó mang lại vẫn phải là sự nhẹ nhàng, thanh thản, bay bổng và tự do nữa. Chỉ còn là đám mây trôi.

lê thiết cương – Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *