Bên bờ hạnh phúc

Có thể xem triển lãm Hidden Flowers của Nguyễn Thị Châu Giang tại phòng tranh Thavibu (một phòng tranh chuyên về hội họa Việt Nam của Thái Lan) vừa diễn ra vào ngày 23/4 tới là một cung bậc trọn vẹn về cuộc đời một người nữ (Triển lãm sẽ kéo dài hơn 20 ngày). Để tiếp cận gần hơn với quan niệm và cách nhìn này, cũng như tại sao chọn vật liệu lụa để thể hiện, chúng tôi có cuộc trò chuyện với chị.

* Xem 16 tác phẩm trong Hidden Flowers, thấy kỹ thuật dường như là cuộc “tuân thủ nghiêm ngặt” các quy định truyền thống, trong khi chủ đề phụ nữ thì dường như khá mỉa mai, châm biếm (ví dụ các bức Nude With Black Scarf, The Prime of Beauty, Reflections on Youth, Green Apples…). Tại

sao có sự chủ ý ngược này?
 

Những bức tranh mà anh đề cập đến không phải là sự mỉa mai, châm biếm mà là sự xót xa. Tôi luôn thấy xót xa cho thân phận của người phụ nữ, trong đó có phụ nữ Việt Nam. Dường như họ không được trân trọng, không được hưởng một thứ hạnh phúc tròn đầy như đáng lẽ ra họ phải được nhận.

* Người xem quen với Châu Giang trong sơn dầu, với cách dùng màu sặc sỡ, đầy dằn vặt. Vậy tại sao chị lại chọn vật liệu lụa cho Hidden Flowers, trong khi sơn dầu chị đã thuần thục, vẫn có thể diễn đạt trọn vẹn ý đồ?

– Trước đây tôi không thích vẽ lụa vì nghĩ rằng mình sẽ không thể hiện được hết những gì mình muốn trên bề mặt, vốn mềm mại, luôn đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ. Nhưng càng vẽ, tôi càng khám phá ra sức mạnh bí ẩn của lụa. Tôi thấy tranh lụa giống như một người đàn bà rất đẹp, rất mong manh dễ vỡ nhưng lại vô cùng mạnh mẽ và bền chắc.

Năm 2006 cuộc sống của tôi có rất nhiều thay đổi. Thời gian đó sơn dầu mang đến cho tôi những cảm giác khá nặng nề, hơi “điên cuồng” một chút. Tôi đã tìm đến lụa và tìm thấy sự nhẹ nhàng, bình an khi mình phải cố gắng đằm mình xuống, thật tập trung và kĩ càng, vì lụa đã buông bút rồi thì rất khó sửa lại được. Từ đó đến bây giờ tôi chủ yếu vẽ lụa, nên triển lãm tranh lụa là điều tất yếu thôi.

Thật hay là chất liệu lụa lại rất phù hợp với chủ đề và những gì tôi muốn nói thông qua những bức tranh của mình.

Tác phẩm Căn nguyên của cái đẹp, lụa, 146x78cm, 2010

 

* Ngoài sự xót xa như chị vừa nói, thì mối quan hệ giữa sự đằm thắm, lãng mạn với sự dằn vặt, mâu thuẫn… dường như là chủ đề làm nên 16 tranh lụa kì này. Phải chăng, chị có một cách quan niệm riêng về căn rễ làm nên người phụ nữ Việt Nam, quan niệm ấy thế nào?

– Đây là một câu hỏi tôi rất thích. Bản thân là một người phụ nữ, tôi có mẹ, có chị gái, có những người bạn gái mà những nỗi niềm của họ phảng phất giống nhau. Trong họ (và trong tôi) luôn có mâu thuẫn giữa sự kìm nén, chịu đựng và sự nổi dậy. Nhưng khác với phụ nữ phương Tây, người phụ nữ Việt Nam thường giấu nỗi buồn, sự thất vọng… của họ vào trong lòng mà ít khi thể hiện ra ngoài một cách dữ dội. Họ hy sinh bản thân mình một cách rất âm thầm, lặng lẽ vì tình yêu và lòng vị tha của họ là vô tận. Họ hoàn toàn không biết rằng chính điều này đã làm họ trở nên rất mạnh mẽ và dũng cảm.

Sự lãng mạn mà họ có (và tìm đến) chính là một liều thuốc để giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng có thể đấy là tôi đang nói đến những týp phụ nữ hơi xưa cũ. Các bạn gái trẻ bây giờ thì khác rất nhiều. Đôi khi tôi thấy lòng mình thật nuối tiếc. Và những bức tranh lụa này cũng đã nói lên được phần nào sự nuối tiếc của tôi.

* Mấy chục gương mặt trong 16 tác phẩm này, ngay cả với cậu bé trong bức Mother and Son, dường như mang gương mặt của Châu Giang, tại sao như vậy? Chị quan niệm như thế nào về sự truy vấn bản thể của chính mình?

– Không, họ không mang gương mặt – chân dung tự họa của tôi đâu. Họ chỉ mang những nỗi niềm, cảm xúc… mà tôi hàng ngày cố gắng che đậy. Từ khi bắt đầu đến với hội họa, tôi đã thích vẽ và mổ xẻ con người tôi (bên trong và bên ngoài) với những màu sắc hơi có phần rực rỡ hoặc những hình ảnh hơi buồn cười một chút như một liệu pháp tâm lý để xoa dịu những dằn vặt của mình.

* Bản thể ấy phải chăng được soi qua các thế hệ người nữ và thấy rõ những khác biệt?

– Tôi không nghĩ có sự khác biệt. Người phụ nữ cho dù ở thời đại nào, thành công đến mấy, mạnh mẽ đến mấy cũng cần tình yêu. Mà tình yêu thì luôn đi cùng nỗi đau, nỗi buồn, sự dằn vặt và cả bất hạnh nữa.

Tuy nhiên, phải xác tín ngay rằng mọi câu trả lời đều ẩn chứa một sự mâu thuẫn. Tôi muốn mọi người biết rằng đằng sau vẻ đẹp mong manh, yếu đuối ấy, người phụ nữ rất mạnh mẽ và dũng cảm. Nhưng tôi cũng luôn muốn mọi người hiểu được rằng, cho dù mạnh mẽ, dũng cảm đến đâu thì người phụ nữ cũng rất mong manh và yếu đuối. Họ là những bông hoa luôn cần được nâng niu, yêu thương và bảo vệ.

Theo Văn Bảy (TT&VH) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *