Bên bờ hạnh phúc

Sau khi anh mất, căn nhà cổ của anh như mất đi vầng hào quang, trở nên ẩm thấp và “góa bụa”, cho dù hơn 50 năm tồn tại trên cõi đời, anh bị coi là kẻ vô dụng.
 

1. Mà anh vô dụng thật. Cửa nhà, vườn tược, và cả đến vợ con, anh cũng không biết chăm sóc, và cũng không thể chăm sóc được. Một tai nạn giao thông gần 40 năm trước đã cướp mất đôi chân anh, kèm theo chấn thương sọ não. Dầu vậy, thương tật không thể ngăn được cơ thể thiếu niên của anh ngày ấy vẫn lớn lên vạm vỡ, khuôn mặt và mái tóc anh phiêu bồng như Xuân Diệu. Một bên chân còn bập nhễnh của anh vẫn đưa anh đi hết cấp 3, nhưng đến ngưỡng cửa trường Đại học thì phải dừng lại. Hồi đó, anh bị cho là không đủ sức khỏe.

Thời gian còn lại của anh dành cho sách rất nhiều. Thương tật khiến anh đặc biệt nhạy cảm với những thân phận người cùng khổ và những tấm gương nghị lực trong sách. Tôi chợt nghĩ, chắc là đến tận lúc sức tàn lực kiệt trên giường bệnh với một cơ thể hôi thối (do bị hoại tử vì nằm liệt lâu ngày), anh vẫn nghĩ mình là Paven! Cả đời anh tưởng mình là Paven trong Thép đã tôi thế đấy.

Minh họa: Lê Trí Dũng

 

Sở dĩ tôi nghĩ như thế vì khi trở về nhân ngày giỗ đầu của anh, chứng kiến căn nhà cổ “đìu hiu” của anh, tôi bỗng nhìn thấy cuốn Thép đã tôi thế đấy vẫn để trên giá sách. Tôi nhớ cuốn sách đã nằm ở đó lâu lắm, từ ngày tôi còn là cậu thiếu niên, ngồi há mồm nghe anh kể chuyện tình Paven với Tônhia bên hồ nước dưới bóng cây bạch dương (tôi nhớ mang máng thế, vì đã lâu lắm). Sau này thế hệ chúng tôi có những mối tình điên dại khác để say mê như trong Đồi gió hú, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, hay Cuốn theo chiều gió, nên tôi không còn nhớ lắm đến Paven và Tônhia của thế hệ anh.
 

Tôi nghĩ thế khi cầm vào cuốn sách. Ngay trang đầu tiên tôi đã thấy dòng chữ bay bướm của anh lúc sinh thời viết đề tặng ai đó: “Thân tặng nàng “Tônhia Xoa” của đời anh. Hà nội ngày 24 tháng 8 năm 1978. Ký tên…” Chữ “Xoa” sau tên Tônhia khiến tôi hơi băn khoăn. Chẳng hiểu anh viết đề tặng ai. Mà sao sách đề tặng cho cô người yêu cũ nào mà lại để chình ình ở đây thì có ngày… tan cửa nát nhà với vợ!.

2. Sau bữa cơm giỗ anh, tôi ngồi nói chuyện với chị về một vài kỷ niệm về anh. Lúc ấy tôi mới sực nhớ ra “Xoa” là tên của cúng cơm của chị (ở quê tôi, đàn bà lấy chồng thì thường gọi theo tên chồng).

Khi nhắc đến cuốn sách, chị phì cười: “Lúc yêu nhau, lão ấy toàn gọi chị là Tônhia Xoa”, tặng mình bao nhiêu sách, đấy, đấy, cả cuốn trên giá mà cậu vừa xem ban nãy, cũng là cuốn lão ấy tặng mình lúc yêu nhau”.

Thực ra, thì chính chị chưa bao giờ đọc Thép đã tôi thế đấy hay muôn vàn những cuốn sách được tặng. Với chị những cuốn sách chỉ là điểm trang cho mối tình với chàng thanh niên thương tật nhưng phong nhã, hào hoa, văn hay chữ tốt. Cả một đống sách anh tặng chị thời con gái lại theo chị về nhà anh khi hai người cưới nhau, và lại chỉ có mình anh đọc. Có lẽ tất cả những cuốn sách ấy chưa được chị mở ra, trừ trang đầu, chị mở ra để được nhìn những dòng chữ bay bướm, với những lời đề tặng còn văn hoa hơn một bài thơ.

3. Cuộc đời dĩ nhiên chẳng như trong sách, càng chẳng như những bài thơ anh đề trong trang sách. Tôi biết rằng, trong cuộc hôn nhân kéo dài hơn 20 năm giữa anh và chị, anh là người chồng “vô dụng” đã đành, nhưng chị cũng không phải người toàn tâm toàn ý với chồng. Nói thẳng toẹt ra rằng, chị đã chán anh. Chán kinh hoàng. Chị đã có người khác và không chỉ có một người khác…

Những cái đó cả làng, cả xã đều biết. Song, có một người không biết, và sẽ không ai có thể bắt cho người đó chịu biết. Người đó chính là anh. Tôi biết rõ điều đó. Đến cả khi nhắm mắt, anh vẫn hình dung chị là nàng Tônhia mà Paven gặp trong rừng bạch dương ngày nào. Anh không biết rằng nàng Tônhia Xoa của anh đã khác xưa rất nhiều, giống như ở cuối thiên truyện, Tônhia đâu còn yêu Paven nữa. Mà rốt cục anh cũng đâu được như Paven.

4. Tôi xin chị cuốn Thép đã tôi thế đấy và ngay tối hôm đó, tôi đọc lại, từ đầu đến cuối. Và khi gấp cuốn sách lại, tôi lại thấy một đôi trai gái không phải là Paven với Tônhia, mà là anh với chị trong những ngày đầu tiên hai người gặp nhau dưới rặng bạch đàn trên một quả đồi khô cằn ở quê tôi, khi chị còng lưng dẫy cỏ. Chuyện đó lúc sinh thời, anh kể đi kể lại nhiều lần. Tôi chợt nghĩ rằng, anh thực sự là Paven đối với cuộc sống nhàm chán của bản thân mình. Anh đã vượt lên nó, dù có rất nhiều ngộ nhận về nó. Chính niềm lạc quan của anh được truyền từ những trang sách đã rọi sáng ngôi nhà cổ tăm tối của anh, khiến cho nó lúc nào cũng rộn rã niềm vui, tiếng cười. Còn giờ anh mất đi, ánh sáng ấy cũng tắt đi và căn nhà trở nên “góa bụa”. Chính xác là ánh sáng ấy lại thu về trang sách.

Theo Thiếu Phương (TT&VH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *