Bên bờ hạnh phúc

 Lại dấy lên ồn ào xung quanh cuộc thi bút ký Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ tư, Hội VHNT Bạc Liêu trao giải nhất cho bút ký Ông vua chân đất. Người ta cho rằng là đó một bút ký kém chất lượng, nói như nhà văn Võ Đắc Danh: “Nếu là người biên tập, tôi sẽ xếp Ông vua chân đất vào dạng bài bị gác, không thể sử dụng được”.

Thêm vào đó, xét theo tiêu chí cuộc thi “viết về những nhân tố mới, con người mới ở Đồng bằng sông Cửu Long” thì những gì bút ký này thể hiện là không mới, nó “gần giống với các bài viết Tỷ phú trên đầm tôm Thương hiệu độc quyền của người đi chân đất đã đăng báo Lao Động”. Thậm chí nhân vật chính của bút ký, ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn), cũng đã lên tiếng: “Tôi cảm ơn tác giả đã viết về mình. Tuy nhiên, những thông tin mà tác giả đưa vào bài viết ấy là không mới” (theo báo Lao Động).

Thực ra những lùm xùm như thế này vẫn xảy ra ở hầu khắp các giải văn nghệ địa phương. Mới đây thôi, tại cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ 4, Hội VHNT Cần Thơ đã rút bài thơ Trăng nghẹn đoạt giải nhất ra khỏi giải, vì “Một số cơ quan có thẩm quyền ở thành phố Cần Thơ đã yêu cầu Ban Giám khảo chọn lại bài khác để trao giải nhất thay cho bài thơ này vì nó u ám quá. “Trăng thì phải sáng, thậm chí rất trong sáng chớ không thể nào nghẹn được”. Hay tại cuộc thi bút ký, phóng sự của báo Người Hà Nội (Hội VHNT Hà Nội), tác giả đoạt giải ba đã tố cáo giải ba của ông đã bị đánh tráo xuống giải khuyến khích, ông phản đối không đi nhận giải; sau khi trao giải xong, người ta gọi ông đến bảo đấy là nhầm và đổ lỗi cho “người đánh máy”. Khác với những “người đánh máy” khác, cô này đã huỵch toẹt: “Em làm theo lệnh hoán vị giải ba và giải khuyến khích”. Rõ là bi hài.

Cùng với các giải thưởng là các tạp chí văn nghệ địa phương kém chất lượng, in vài ba trăm bản, dăm bảy trăm bản chủ yếu để tặng biếu, ngay người địa phương cũng chẳng biết có sự tồn tại của nó. Trừ một số rất ít còn cố theo kịp văn chương chuyên nghiệp, đa số rơi vào thảm cảnh nghiệp dư hóa văn chương, chất lượng sáng tác không vượt qua báo tường, loại báo dành cho văn nghệ quần chúng. Thậm chí người ta đã nhầm văn nghệ địa phương là văn nghệ quần chúng, hoạt động theo lối văn nghệ quần chúng. Ngay Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội cũng không coi giải của Hội là giải chuyên nghiệp, ông nói: “Giải Hội Liên hiệp mang tính phong trào”.

Chính những nhầm tưởng nguy hại như vậy nên ít ai quan tâm đến chất lượng các sáng tác văn nghệ địa phương, “tính phong trào” ở đây được hiểu là sự đông vui, không cần nhiều đến chất lượng, những sáng tác đỉnh cao lại càng không. Dẫn đến việc những nơi đã không có người viết, không có luôn người biên tập, người làm báo cũng cố rán sành ra mỡ, ra cho được những tờ báo văn nghệ. Ngay cả những người cầm chịch những tờ báo ấy cũng không cần có chuyên môn. Gần đây xảy ra chuyện trưởng ban biên tập tạp chí Nậm Nùng (VHNT Đăk Nông) liên tiếp đạo văn của nhiều người trong nhiều năm. Khi hỏi vì sao lại đạo văn, cô ta hồn nhiên trả lời: “Vì em quá thích truyện của các anh chị đó”. Còn ông Chủ tịch Hội, kiêm Tổng biên tập, một người “đang ở bên Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh thì tổ chức điều qua Hội làm Chủ tịch”, thì thú thật: “Tổ chức phân công thì phải làm, chứ tôi có bằng cấp gì đâu!”.

Đó không chỉ là bi kịch của văn nghệ Đăk Nông, cay đắng thay, đó chính là bi kịch của văn nghệ địa phương nước nhà.

Theo Nguyễn Quang Lập (PNO) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *