Bên bờ hạnh phúc

Đến xã Thủy Liểu, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, chúng tôi tìm gặp anh Danh Thi – một thanh niên người dân tộc Khmer khiếm thị dù trải qua biết bao biến cố vẫn kiên trì theo đuổi nghề làm bún gạo truyền thống của địa phương.

Anh Thi vốn là 1 thanh niên khỏe mạnh, lao động chính trong gia đình làm nghề bún lâu đời. Vậy mà, cách đây 11 năm, trong lúc chặt cây sửa nhà để chuẩn bị đám cưới của mình thì anh bị lá tre quẹt vào mắt, tổn thương giác mạc dẫn đến mù lòa. Thương người thanh niên bất hạnh, đám cưới của anh Thi và chị Hường vẫn được diễn ra sau đó không lâu. Và chính tình cảm dung dị của người vợ hiền đã giúp anh Thi vượt qua mặc cảm, trở ngại của bản thân tiếp tục công việc mà mình vốn rất thành thạo và trân quí.

Ổn định chẳng bao lâu thì một lần nữa khó khăn lại ập đến khi căn nhà cũng chính là điểm làm nghề bún gạo của anh Danh Thi bên bờ sông đã đổ sập trong một trận bão. Do không có đất nên việc hỗ trợ nhà ở của chính quyền địa phương cho gia đình anh Thi cũng gặp khó. Không nản lòng, anh Thi nhận thêm nghề bó chối thắt chổi cọng dừa thủ công ở địa phương để tích cóp, dành dụm, chờ đợi một ngày đủ vốn khôi phục được công việc làm bún. Chỉ sau hai năm nơi chái lá bên cạnh căn nhà của cha mẹ, góc bếp làm bún thủ công của người thị khiếm thị lại sáng lửa trở lại bởi sự cần cù chuyên cần của đôi tay và nhất là một ý chí không đầu hàng thử thách.

Hạnh phúc hơn cho tổ ấm là khi hai cô con gái sinh đôi Ái Hiền, Ái Hậu chăm ngoan, học giỏi, vừa mới kết thúc năm học lớp 3. Đôi vợ chồng trẻ biết rằng phải nỗ lực nhiều hơn để phát triển nghề nghiệp bởi chặng đường tương lai còn dài phía trước.

Quá trình khôi phục, duy trì nghề bún của người đàn ông khiếm thị này trải qua lắm gian nan, ấy vậy mà anh vẫn không hề bỏ cuộc. Để rồi ngày ngày anh Thi vẫn tỉ mỉ với từng công đoạn chế biến thành những sợi bún trắng mềm, thơm ngon theo cách thức truyền thống mà anh luôn gìn giữ. Tuy nhiên, từ khâu quết bột đến ép bún chỉ làm thủ công do thiếu máy móc, trang thiết bị hiện đại nên sản phẩm làm ra chưa được số lượng nhiều.

Ở khâu cuối cùng là tiêu thụ, chị Hường thường chọn cách bơi xuồng bán bún dạo khắp nơi vì chưa có được mặt bằng buôn bán. Mới đây, anh chị được cha mẹ cho mảnh đất nhưng để cất một nơi sản xuất tươm tất thì còn là điều trăn trở. Trước biết bao khó khăn, thử thách, câu chuyện của người thợ làm bún khiếm thị như một nét đẹp bình dị  giữa đời thường khi cố giữ gìn và phát huy một nghề thủ công truyền thống đã dần mai một…

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/  Anh Danh Thi, xã Thủy Liểu, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa", Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 0706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long.

Minh Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *