Bên bờ hạnh phúc

Nhiều doanh nghiệp than thở 2011 là năm khó khăn chất chồng nhất từ trước tới nay, trong đó chi phí vốn đắt đỏ là cản trở với sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ tại diễn đàn "Làm ăn thời kỳ nhiều biến động" diễn ra hôm qua tại TP HCM, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng chi phí vốn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện quá cao. Ông dẫn chứng, lãi vay mà doanh nghiệp Việt Nam hiện phải chịu là 18-20%, thậm chí có thể cao hơn, trong khi Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore chỉ dao động 6-7%. Sở dĩ lãi vay ở các nước trong khu vực thấp hơn nhiều so với Việt Nam bởi lạm phát của họ ở mức thấp. Chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí vốn, cho nên với mức lãi cao như hiện nay, chi phí vốn của doanh nghiệp Việt Nam gấp 2-3 lần, thậm chí 4 lần các nước trong khu vực, ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

"Ưu tiên chính sách 2011 là ổn định vĩ mô, chừng nào lạm phát còn ở mức cao thì ưu tiên ổn định vĩ mô đặt lên hàng đầu. Nhưng sẽ không hợp lý nếu cứ thắt chặt đồng loạt, thiếu sự chọn lọc", ông nhìn nhận.

Ông lấy ví dụ, giới hạn tăng trưởng tín dụng 20% cho tất cả các ngân hàng, bất kể ngân hàng đang làm ăn tốt hoặc sắp phá sản. Việc không phân loại các ngân hàng khác nhau, nhà đầu tư khác nhau, khu vực khác nhau, khiến những người đang lành mạnh thành ốm, người ốm khó duy trì, gây bất ổn cho nền kinh tế.

Ông dự kiến, lạm phát năm nay khó dưới 10-12%, không thể đạt chỉ tiêu 7%; lãi suất khó giảm, chừng nào lãi suất chưa giảm, chừng đó lãi suất còn cao và VND có thể còn chịu áp lực giảm giá.

Hàng loạt doanh nghiệp tham gia diễn đàn "Làm ăn trong thời kỳ nhiều biến động" ngày 21/4 đều than khó xoay sở vốn, trong khi chi phí nguyên vật liệu, đầu tư đều tăng cao hơn trước mà giá thành khó có thể tăng tương ứng. 

TS Vũ Thành Tự Anh: "Doanh nghiệp Việt Nam phải chịu chi phí vốn cao gấp 2-4 lần so với các doanh nghiệp khác trong khu vực". Ảnh: B.H. 

  

Ông chủ gốm sứ Minh Long I – Lý Ngọc Minh bộc bạch, đây là năm có nhiều khó khăn phức tạp, đan xen nhau, khó hiểu, khó giải quyết. Cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài, giá xăng dầu tăng vọt, lạm phát khiến đồng tiền mất giá, nguyên liệu tăng, nhu cầu lao động lên mức đột biến ở các khu công nghiệp, lãi suất vay cao. Đây cũng là năm khó khăn chất chồng với doanh nghiệp và những gì mà họ đương đầu là chưa từng có từ trước đến nay.

Ông Minh phân tích, khủng hoảng năng lượng, nguyên liệu đầu vào khó kiểm soát. Thiếu nhân lực, khát tiền cũng không giải quyết ngay được. Sau nhiều trằn trọc tìm lối thoát, ông chợt nhận thấy loại tài sản giá trị đang bị lãng quên – vốn tri thức và có thể giải quyết chuyện thiếu tiền nếu biết cách vận dụng.

Tại Minh Long, năng lượng chiếm hơn một nửa trong nguyên liệu đầu vào (gas, khí đốt), nhưng giá cả lại biến động liên tục. Theo quy trình làm đồ sứ, sẽ có 3-4 lần nung và ông tìm cách bỏ bớt một lần nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng, điều mà chưa có doanh nghiệp nào trên thế giới thực hiện.

"Ý tưởng đã có từ 3 năm nay và cũng đã bắt tay nghiên cứu, song thời điểm này là thích hợp nhất để ứng dụng", ông chia sẻ. Từ đó, ông đúc kết, trong lúc khó khăn nhất sẽ xuất hiện các sáng kiến mới mang tính đột phá và tạo bước ngoặt cho doanh nghiệp. Có như thế, doanh nghiệp mới có thể vượt hết đợt lũ này sang đợt lũ khác.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Hữu Chinh, Tổng giám đốc Công ty Fideco, lại chọn phương cách tái cấu trí để tồn tại trong thời kỳ nhiều biến động như hiện nay. Theo đó, nhìn lại hoạt động đa dạng hóa sản xuất, xem mảng nào còn mang lại hiệu quả, có lợi ích lâu dài và lĩnh vực nào cần chấm dứt và tận dụng đối đa sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các lĩnh vực.

Ông lấy ví dụ, nhiều lúc doanh nghiệp tự điều tiết trong hệ thống, khi vay ngoại tệ khó mà VND cũng không dễ. Mặc khác, với lãi suất vay khoảng 20%, kinh doanh rõ ràng không hiệu quả. Do đó, có khi ông lấy tiền đồng do bán bột mì để đưa vào nhà máy sản xuất sản xuất tôm mua nguyên liệu (cá, tôm) sản xuất hàng xuất khẩu, rồi cân đối dòng vốn lại với nhau. Dòng tiền này tháo gỡ khó khăn nhất thời, nhưng về quy mô lớn thì vẫn có hạn chế, vì thực chất nó không đúng quy trình.

"Nếu cứ ứng phó liên tục, doanh nghiệp không còn thời gian, tâm trí để đầu tư phát triển. Vấn đề là làm sao bớt ứng phó, chuyên tâm sản xuất", ông bộc bạch. Ông cũng đề xuất, việt cắt giảm đầu tư công nên chuyển vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (nơi quy tụ nhiều lao động), để đối tượng này tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển dễ dàng, với lãi suất tương đối thấp, để đóng góp nhiều hơn nữa vào GDP.

Nhiều ý kiến khác lại nhấn mạnh vào tầm quan trọng của nguồn nhân lực. Đây là vấn đề đặt lên hàng đầu với các doanh nghiệp, nhưng nó có ý nghĩa lớn lao hơn trong bối cảnh kinh doanh không hề dễ dàng như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành chia sẻ: "Nếu không chịu tái cấu trúc, không tầm nhìn xa, sự thích nghi, kỹ năng sống, nhân sự giỏi, doanh nghiệp sẽ chết ngay". Nhìn về thời Tam quốc, ông rút ra bài học, Lưu Bị phát triển nhà Thục chính nhờ Khổng Minh và ở công ty ông, đó chính là những người kỹ thuật, kỹ sư tạo sản phẩm tốt đẹp. Ngoài việc o bế nguồn tài nguyên này, bản thân doanh nghiệp cũng xác định lối đi để tồn tại được trong trường hợp kinh tế tốt lẫn không tốt như mong đợi. Đó là chiến lược sản phẩm trung bình, giá trung bình, phù hợp với sức mua người dân. 

Theo Bạch Hường ( VnExpress)  

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *