Bên bờ hạnh phúc

Márai Sándor

Một nhạc sĩ lớn mất đi. Những cuốn vở chép nhạc và đĩa hát lưu giữ những gì có thể – các tác phẩm – của ông. Nhưng còn có thứ âm nhạc mà ông không ghi lại, thứ âm nhạc chỉ có cây vĩ cầm của ông biết, và những người từng nghe cây vĩ cầm này đã vĩnh viễn lặng câm. Sự im lặng ấy là một thảm kịch.

Một cái gì đó mất đi trong ta, trong mỗi chúng ta, trong cả những con người nhỏ bé, vô danh. Một thứ gì đó không thể lưu giữ bằng chữ viết, hình ảnh hay sổ chép nhạc. Mỗi người đều có chút âm nhạc của mình, đó là nghệ thuật của riêng mình. Một nhà văn lớn mất đi để lại những cuốn sách, người nghệ sĩ để lại những họa phẩm hay công trình điêu khắc, nhạc sĩ lớn để lại giai điệu hay nhạc phẩm mà ông ghi lại bằng những nốt nhạc trên một mảnh giấy. Nhưng nghệ thuật còn là điều gì khác nữa. Sự ra đi của mỗi nghệ sĩ đều kéo theo sự mất đi của một điều gì đó mà tác phẩm chỉ là hệ quả của nó, và cái nội dung mất đi ấy mới là nghệ thuật đích thực. Vậy cái đó, nghệ thuật chân chính, là gì vậy? Là cảm xúc cội rễ mà tác phẩm chỉ là sự hiển thị của nó.

Phía sau người nghệ sĩ, diễn viên sẽ còn lại những gì? Vài bức ảnh, một khuôn mặt, ký ức về một cái khoát tay. Chất liệu và tâm hồn tạo nên hiện tượng nghệ thuật đã để lại vết xước trên tấm gương tâm hồn của vài người thưởng ngoạn, người diễn viên tiếp tục sống trong những tâm hồn ấy một thời gian ngắn nữa. Chúng ta biết gì về nghệ thuật của Talma (*)? Nó đã mất đi theo thời gian. Cái ấn tượng mà Paganini, Viotti, Vieuxtemps (**) cống hiến cho thời đại mình đã lưu lạc đi đâu? Ở đâu đó có một thứ âm nhạc như thế, không thành văn, lơ lửng giữa trời và đất.

Chỉ người nghệ sĩ ghi chép, lưu giữ các tác phẩm của mình, ở một chừng mức nào đó, mới chống lại được cái chết.

Giáp Văn Chung dịch

————————

(*) Talma : Franois-Joseph Talma (1763 – 1826), diễn viên bi kịch nổi tiếng của Pháp

(**) Paganini : Niccolò (hay Nicolò) Paganini (1782 – 1840), nghệ sĩ violin, viola, guitar và nhà soạn nhạc người Ý. Ông được coi là một trong những nghệ sĩ violin vĩ đại nhất trong lịch sử

– Viotti :Giovani Battista Viotti (1755 – 1824), nghệ sĩ violin, nhà soạn nhạc người Ý, từng là Giám đốc Nhà hát opera Paris và London

– Vieuxtemps :Henri Frannois Joseph  Vieuxtemps (1820 – 1881), nhà soạn nhạc và nghệ sĩ violin nổi tiếng của Bỉ 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *