Bên bờ hạnh phúc

Trước tôi chỉ chăm chăm làm sao cho mình sướng, sau này tôi phát hiện ra là làm người khác sướng, mình cũng sướng.

Dù “tọa lạc” ở cái nơi “không thấy mùa đông” nhưng Dũng “khùng” cũng đã tự cho phép mình được hưởng trọn vẹn một kỳ “ngủ đông” sau khi Việt Nam Idol đóng máy và một mùa phim Tết chẳng “hôn” cũng chẳng “cứu” ai. Còn lúc này thì hắn bắt đầu vươn vai tỉnh dậy, để bắt “Chân dài hành động” (dự định chiếu Tết năm nay).

 

Có cái hấp dẫn hơn… Hai cái chân

“Thể trạng” của anh thế nào, sau khi “ngủ đông”?

Phương châm sống và làm việc của tôi là “làm ít lãnh tiền nhiều, chơi nhiều nhưng không mang tiếng bao nhiêu” nên lúc nào bạn thấy tôi làm ít lại là biết tôi đang vui vẻ và thoải mái; là chứng tỏ đời sống đạo diễn ở ta đã khá hơn rồi, chỉ cần làm một phim là đủ sống dài dài.

Thực ra anh “nói không” với vụ phim Tết năm nay là vì Việt Nam Idol hay là vì không đắt show nữa?

Thiên hạ cứ tưởng vì Idol mà tôi không làm phim, thiệt ra là ngược lại. Nhưng lý do hợp lý nhất của việc năm rồi tôi không làm phim là vì tôi bận yêu, haha!

Cũng nhờ anh “bận yêu” mà các “đối thủ” phim Tết của anh đã gặp hên trong mùa phim Tết vừa rồi đấy nhỉ?

Có câu hát của Trịnh Công Sơn mà tôi nghĩ rất là đúng “em ra đi nơi này vẫn thế”. Có thể có nhiều cảm xúc khác nhau khi có hay không có mặt một ai đó. Nhưng mọi thứ tự nó vẫn phải diễn ra. Thiệt ra khi làm phim tôi không nghĩ đến đối thủ, tôi chỉ nghĩ mình làm gì thôi. Đa phần người làm nghề, tôi chắc họ cũng vậy: chỉ cần được làm và làm được cái mình yêu thích, vậy thôi! Suy nghĩ phức tạp hơn có chăng là các nhà sản xuất.

“Chân dài hành động” liệu sẽ đưa ra “món” gì khác so với những bộ phim Tết trước giờ của anh? Ít nhất, lần này, nó định “giải cứu” cái gì?

Tôi định làm một món cổ trang hành động – tình cảm – tâm lý – hài, “giải cứu” nước mắt.

Món mới đâu chưa thấy, nhưng trước mắt, đã thấy “món cũ” Thanh Hằng? Vì trước hết cô ấy là “chân dài” chăng – như tên phim đòi hỏi, hay vì anh đã “đo ni đóng giày” cho “nàng thơ” của mình?

Tên phim thiệt ra mới chỉ tạm thời thôi khi tôi nghĩ Thanh Hằng sẽ là 1 trong 2 nhân vật chính. Nhưng cảm hứng của phim nằm ở chỗ hấp dẫn hơn hai cái chân. Chỉ là tôi chưa biết nên gọi tên nó thế nào. Tôi quan niệm: Nếu mỗi bộ phim là một món thì diễn viên chỉ là một trong những nguyên liệu, mà từ nguyên liệu đó ta có thể làm ra rất nhiều món khác nhau. Với tôi, Thanh Hằng là một nguyên liệu chất lượng có thể khai thác được thêm vài món nữa. Huống hồ gì tôi còn có nhiều nguyên liệu khác nữa cũng chất lượng không kém.

Vì sao bên cạnh Thanh Hằng, anh lại chọn Tăng Thanh Hà – người được coi là “nàng thơ” và “diễn viên ruột” của Vũ Ngọc đãng – bạn thân, đồng thời là “đối thủ phim Tết” của anh?

Đâu phải bây giờ tôi mới có “dã tâm” ấy, vì trước đây, tôi cũng từng mời Tăng Thanh Hà đóng vai An trong “Nụ hôn thần chết” nhưng lúc đó tiếc là Hà không tham gia được. Là một trong những fan hâm mộ Tăng Thanh Hà, nên tôi rất muốn được làm việc với Hà và bây giờ thì mới có cơ hội. Khả năng phát hiện diễn viên của Đãng rất giỏi, vì thế mỗi lần casting tôi đều nhờ Đãng phụ.

 

Bắt chước cũng phải có khả năng

– Nhận định này theo anh có chính xác: công thức ăn khách của vũ Ngọc đãng là “phim Việt kiểu kim chi”, còn của Nguyễn Quang Dũng là “phim việt khẩu vị Mcdonald’s”?

Tôi chỉ sợ người ta nói tôi làm phim như viết báo thôi. Còn ngoài ra nói gì thì đó là quyền của khán giả, báo giới và các nhà phê bình.

Theo anh, trong điều kiện làm phim ở ta, bắt chước ở mức độ nào thì chấp nhận được?

Bắt chước cũng phải có khả năng và chuyện này theo tôi chẳng có gì mà ầm ĩ cả. Nền điện ảnh đang phát triển nào thì cũng đều phải trải qua giai đoạn bắt chước những nền điện ảnh lớn hơn thôi. Khi có được khả năng bắt chước giống rồi, thì lúc đó họ sẽ chuyển qua giai đoạn sáng tạo và tìm con đường riêng. Cái dở là khi ta bắt chước mà ta lại không dám thừa nhận hoặc không có khả năng bắt chước giống.

Sau sự kiện “Bóng ma học đường”, anh có tính cũng sẽ làm phim 3D, mà trước mắt, là “Chân dài hành động”? Ngay tại thị trường Mỹ, cũng có không ít bộ phim tiếng là 3D nhưng thực chất là quay bằng công nghệ 2D, anh có tính sẽ dùng tạm công thức ấy ở ta – như một cách “liệu cơm gắp mắm”?

Đúng là khi “Avatar” thắng lớn, cũng đã có nhiều nhà sản xuất dụ dỗ tôi làm phim 3D. Nhưng tôi từ chối. Tôi không dám làm cái gì mà tôi cảm thấy mình chưa làm chủ được nó.

Với tôi, công nghệ dù tân tiến đến đâu cũng chỉ là thứ phục vụ cho nội dung và cảm xúc của bộ phim. Nên khi nào có ý tưởng kịch bản mà tôi nghĩ chỉ có 3D mới đạt được cảm xúc và thẩm mỹ, còn 2D thì không thể, thì tôi sẽ làm phim 3D.

Anh nói anh còn nợ điện ảnh việt Nam 30 tỷ, vậy anh nghĩ liệu có thể trả hết vào mùa phim Tết năm nay hay không? Anh có đủ gan để làm một việc mà mình không chắc thắng?

Không ai có thể thành công mãi mà không thất bại. Với tôi cái quan trọng là sau khi thành công hay thất bại mình sẽ thế nào. Sau khi “Hồn Trương Ba da hàng thịt” bị dư luận“phanh thây”, tôi nghĩ mình đã trưởng thành hơn. Và sau 3 phim liên tiếp đạt doanh thu cao, tôi đã quyết định nghỉ ngơi để bình tĩnh lại, không say sưa, không bị cuốn theo những lời mời nữa, chừng nào tôi cảm thấy mình chưa đưa ra được cái gì khá hơn những cái đã làm.

Với 70 tỷ đã thu về được, tôi nghĩ 30 tỷ còn lại là không quá nhiều, điều đó chắc chắn sẽ làm được. Với tôi, đó chỉ là một cái mốc sự nghiệp và một thời điểm để mình chinh phục tiếp những mục tiêu khác.

Một dạo, chữ “khùng” của anh từng được định nghĩa là “một thằng chỉ biết cái gì mình thấy sướng thì làm, không quan tâm đến người khác và… hoạnh họe tất cả mọi người”. Định nghĩa này theo anh có cần phải điều chỉnh lại cho cập nhật?

Lúc trước tôi chỉ chăm chăm vào chuyện làm sao cho mình sướng thôi, sau này tôi mới phát hiện ra là làm người khác sướng thì mình cũng sướng. Còn lúc này, cái tên với tôi chỉ đơn giản là một dấu hiệu nhận biết. Bây giờ người ta gọi Dũng “khùng” là tôi biết họ gọi tôi vậy thôi!

Mới đây anh hứa: sau những bộ phim ăn khách hốt bạc, chiều lòng nhà sản xuất, sẽ là một bộ phim nghệ thuật để chiều mình. Anh có nghĩ mình có đủ tài để dung hòa được giữa hai chữ “nghệ thuật” và “ăn khách”, hay đôi khi, phải chấp nhận “xếp kho” – như số phận nhiều bộ phim nghệ thuật ở ta?

Nghệ thuật hay thị trường với tôi không quan trọng. Vì với tôi phim gì đem ra chiếu có bán có mua đều là thị trường hết. Chẳng qua là thị trường cho đối tượng nào thôi. Từ lâu, tôi đã có những ý tưởng kịch bản có vẻ hơi nặng đô nhưng chưa tìm được thời điểm phù hợp để tung ra, cũng như chưa đủ lý lẽ và tự tin để thuyết phục nhà sản xuất. Nhưng giờ thì tôi nghĩ sắp đến thời điểm đó rồi!

Anh có nghĩ trong bộ phim nghệ thuật ấy lại có thể có chỗ cho một chân dài như Thanh Hằng?

Đã bảo là tôi không có ý định làm một bộ phim mà tự quy chụp đó là nghệ thuật. Tôi chỉ định làm một phim mà có cái tôi nhiều hơn các phim trước thôi. Trong bộ phim “Những nụ hôn rực rỡ” của tôi có một câu chủ đề được nhắc tới nhắc lui đó là “Ai cũng có thể”. Không cứ là Thanh Hằng hay một chân dài nào khác, mà bất kỳ ai yêu quí phim tôi, có khả năng, hợp vai và làm việc nghiêm túc thì tôi đều chào đón, tôn trọng và cám ơn.

 

Má tôi cần cha con tôi về ăn cơm nhà hơn là lên báo

Trong một talk show gần đây, Uyên Linh Idol có “tố” rằng ở vòng loại 100 người, khi Siu Black tỏ ra sung sướng như “bắt được vàng” sau phần thể hiện của Uyên Linh thì anh và Quốc Trung… rời bàn và bảo: “Chị Siu thích thì cứ chọn, còn bọn tôi thì không”. Đó là do anh muốn tạo kịch tính cho chương trình hay tại thời điểm đó, “con mắt xanh” của anh chưa bật?

Một chương trình như Việt Nam Idol luôn cần kịch tính trước khi chọn được người mà đa phần chúng ta thấy xứng đáng. Và để tạo dựng kịch tính thì có rất nhiều cách và không ngoại trừ, đó cũng là “điệp vụ” của ban giám khảo.

Anh nói trong 4 vị giám khảo của Idol, Quốc Trung đóng vai trò của “ông ác”, vậy “ông Hiền” có phải là anh? Hay cái “hiền” ở anh, nói như Lê Hoàng, là “lờ đờ như kẻ cướp”?

Chẳng hiền chẳng ác, chỉ là để “điền vào chỗ trống” còn lại của chương trình, chính vậy mà tôi đã chọn ngồi ở vị trí cuối cùng. Tiện thể kiêm luôn cả chân “gác sóng”: Ví dụ khi thời lượng sắp hết, tôi sẽ nhịn nói để không lố giờ.

Nhân nhắc đến bài viết của Lê Hoàng, anh thấy nét vẽ nào của tay biếm họa này là “chuẩn không cần chỉnh” nhất về anh, cái nào là sai bét:

a. Dũng “khùng” nhà quê một cách thượng lưu (Dùng vi tính xách tay đời mới nhất, ngủ trong những khách sạn sang trọng nhất, quen với những cô gái đẹp nhất và ăn những món ăn sang nhất…)

b. Ranh ma một cách hồn nhiên (Nếu rất nhiều nghệ sỹ cư xử như quạ, thấy mồi ở đâu là nhào xuống vồ thì Dũng “khùng” cư xử như đại bàng,đứng lim dim chờ mồi tự nó bay lên).

c. Ngây thơ pha quái đản (Chả buồn quan tâm những bước đi sai, cứ thản nhiên xơi từng bước một; chả quan tâm gì tới bản chất vấn đề, chỉ cần giải quyết hiện tượng).

d. Phương án khác

Không đanh đá như Lê Hoàng và cũng không ngây thơ như Lê Hoàng.

Và về phim của anh:

a. Chỉ có thể có hai số phận: hoặc nó làm bà con xô nhau co cẳng chạy, hoặc nó khiến bà con đánh nhau để giành mua.

b. Một bộ phim được khen một tý, chê một tý, giải thưởng một tý thì chắc chắn không phải phim Dũng “khùng”.

c. Phương án khác

Làm phim là một cách “tự sướng” và có nhu cầu “làm sướng” người khác để mình thấy sướng hơn.

Lại còn cả cái vẻ “ông già Nam Bộ”: “Không ai biết quần áo anh màu gì, không ai biết da anh màu gì và càng không ai biết răng anh màu gì”. Thực ra thì… có ai biết không? và theo anh, nó là màu gì?

Những người muốn thấy và tôi muốn cho thấy thường lại trong không gian tắt đèn hoặc rất mờ ảo, và lúc đó tôi thường lim dim nên cũng chẳng rõ nó là màu gì.

Chiểu theo quan niệm “Con hơn cha là nhà có phúc”, thì theo anh, “nhà anh có phúc” ở điểm nào?

Tôi đang phấn đấu làm sao con của mình tốt hơn con của cha tôi. Nếu làm được điều đó thì tôi và cha tôi đều thấy hạnh phúc.

Nghe nói ba anh có một người vợ rất tuyệt vời: nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó… vì sao anh lại rất ít khi nói về mẹ mình? vì ba anh nổi tiếng hơn chăng, và chính anh cũng có nhu cầu “thể hiện”?

Điều má tôi cần nhất là hai cha con về ăn cơm nhà hơn là được nhắc trên báo. Với một số người vĩ đại thì lên báo không phải là một cái chuẩn!

Làm ơn điền vào chỗ trống! Theo anh, điều gì sẽ xảy ra, nếu:

a. Chân Thanh Hằng… không dài, thì sẽ không bị gọi là chân dài đóng phim.

b. Chân Uyên Linh… dài, thì sẽ bị gọi là chân dài đi hát.

c. Chân Dũng “khùng” (cũng)… dài, thì trên đời này sẽ chẳng còn ai chân không dài.

 

Theo anh, giá trị của người đàn ông có tăng lên khi sở hữu một “chân dài”? Nếu người đàn ông đó là anh, thì anh thuộc về trường hợp nào:

a. Chứng tỏ anh là “đại gia”.

b. Ngay cả khi anh không nhất thiết phải là đại gia.

c. “Cầm cương” được anh chứng tỏ “chân dài” ấy đồng thời là “đại gia”.

d. Phương án khác

Chứng tỏ tôi có khả năng nhón chân, còn “chân dài” của tôi thì có khả năng cúi xuống.

Hãy thử soi gương và chấm điểm, nét ngoại hình nào là hấp dẫn nhất ở anh:

a. Ánh mắt “lờ đờ như kẻ cướp”.

b. Cái cười nửa miệng.

c. Vẻ nhàu nhĩ.

Tôi chọn a

Khái niệm “nàng thơ”, theo anh, lúc này có là xa xỉ, khi mà thức ăn nuôi sống nó lắm khi chỉ là hai chữ “cộng sinh”?

Với tôi thì sự nghiệp mang lại cho tôi cái trách nhiệm. Tiền bạc mang lại sự thỏa mãn. Còn tình cảm mang lại cho tôi cảm xúc. Mà cảm xúc là điểm khởi nguồn để tôi làm được những thứ khác. Nên tôi chẳng thấy gì là xa xỉ và lấy làm lo nó sẽ có ngày sụp đổ.

Thất vọng nào là lớn nhất ở anh về bản thân?

Trong tử vi tôi cầm tinh con ngựa nhưng tướng mạo thì lại cầm tinh… con heo!

Theo Đẹp, giadinh
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *