Bên bờ hạnh phúc

Ở vùng quê thị trấn Bảy Ngàn, nằm sâu trong huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, khó khăn lắm người khuyết tật mới tìm kiếm được một công việc vừa sức. Vậy mà gần 40 năm trước, khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, chị Nguyễn Thị Năm và anh Nguyễn Văn Hậu đã chọn gắn bó với nghề may vá như minh chứng cho nghị lực dẫu tàn mà không phế của 2 chị em.

Video clip chương trình Thần tài gõ cửa – Kỳ 362: Chị Nguyễn Thị Năm và anh Nguyễn Trung Hậu

Sinh ra trong gia đình đông anh em, từ năm 17 tuổi chị Năm dặn lòng phải vượt qua mặc cảm khiếm khuyết do tay chân ngày một teo tóp bẩm sinh để học nghề may vá, nuôi sống bản thân và đỡ đần cha mẹ lo cho các em, nhất là Hậu – người em cùng cảnh tật nguyền từ thuở nhỏ.

Thời gian đầu làm quen với bàn máy may, từng đường kim mũi chỉ thẳng hàng là thử thách không nhỏ cho đôi chân tật nguyền vốn đạp máy khó khăn và cánh tay ngày càng yếu ớt không linh hoạt trong việc cắt đo… Tuy nhiên không chùn lòng nản chí, chị Năm vẫn kiên trì chăm chút trong từng công đoạn để những bộ trang phục áo dài, bà ba, sơ mi… ra đời luôn được khách hàng hài lòng. Từ một thợ không tên tuổi, dần dà chị Năm đã có riêng cho mình hiệu may và nhiều lứa học trò mến nghề tìm đến học.

Suốt thời tuổi thơ nhìn chị Năm làm việc bằng cả tâm huyết đã khiến Hậu – em trai chị – quyết lòng nối gót theo đuổi đam mê với thước đo, vải vóc dù mắc phải chứng bệnh các chi dần teo tóp như chị mình. Được chị ruột cũng là người thầy đầu tiên tận tâm chỉ dạy, anh Hậu đã trở thành thợ may lành nghề, nhất là những loại sơ mi, quần tây nam. Nhờ sáng dạ, ham học hỏi, anh Hậu còn tự mày mò, nghiên cứu cách thiết kế trang phục trên máy vi tính từ năm 2009 cho đến nay.

Đẹp mẫu mã, giá cả phải chăng, lại luôn cập nhật xu hướng thời trang mới, nên hiệu may nhỏ của hai chị em khuyết tật đặt tại ngôi nhà sống chung với gia đình người em út cùng cha mẹ, là một địa điểm làm đẹp đáng tin cậy cho bà con cô bác gần xa.

Mấy mươi năm làm thầy giáo giúp truyền nghề cho học trò, vừa dạy cho người bình thường lẫn người khuyết tật, cả chị Năm và anh Hậu luôn khao khát sớm mở xưởng may riêng với đầy đủ máy móc dụng cụ hơn, để dạy miễn phí cho những người đồng cảnh ngộ. Bởi hơn ai hết, anh chị hiểu rõ khó khăn của người khiếm khuyết tay chân khi tìm kiếm một nghề nghiệp ổn định.

Nhưng làm sao ước mơ có thể thành sự thật, khi ngoài chi phí ăn ở phải lo, anh chị còn phải trang bị nhiều loại đồ nghề khác như máy may chuyên dụng, máy vắt sổ, máy se lai mới để đáp ứng nhu cầu thực hành của học viên nếu nhận dạy với số lượng nhiều. Hy vọng tạo việc làm ngay tại xưởng cho học viên sau khi ra nghề càng xa vời hơn…

Dẫu khó khăn liên tiếp thử thách nhưng chưa một ngày chị Năm và anh Hậu thôi cố gắng làm việc để  hiệu may nhỏ không chỉ đủ sức giúp anh chị nuôi sống gia đình mà còn là nơi chắp cánh cho những mảnh đời khiếm khuyết bớt khó khăn, vất vả như chính con đường anh chị đã chọn. Bởi anh chị tin rằng nếu có ý chí thì một mai sản phẩm của người khuyết tật làm ra vẫn có thể chiều lòng những khách hàng khó tính nhất

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/  Nguyễn Thị Năm và Nguyễn Trung Hậu, thị trấn Bảy Ngàn, Hậu Giang

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa", Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 0706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long.

Thùy Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *