Bên bờ hạnh phúc

Thanh trà là một loại trái ngon, đẹp, mới nổi lên và được thị trường ưa chuộng. Có thể nói, đây là đặc sản thứ hai, sau bưởi Năm roi, của huyện Bình Minh – Vĩnh Long vì đến nay, hầu như chỉ có Bình Minh là địa phương trồng nhiều thanh trà nhất và đây cũng là nơi có cây thanh trà tổ hơn 100 năm tuổi.

Cách nay 5 năm, tôi có đến nhà bà Nguyễn Thị Tám, người địa phương gọi là bà Tư Bùa, ở ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành, người đang thừa hưởng cây thanh trà hơn 100 tuổi. Theo ông Huỳnh Văn Trượng, một cụ ông cùng xóm với bà Tư Ba cho biết, cây thanh trà trước sân nhà bà Tư Bùa có hơn 100 tuổi. Trước kia, cây này do ông Bùi Duy Trưng, còn gọi là ông Cả Ba, trồng. Cây này hiện nay được dân trong vùng coi như là cây thanh trà tổ.

Bà Tư Bùa với cây thanh trà 100 tuổi

 

Mỗi năm, cây thanh trà tổ này cho trái từ vài trăm kg đến hơn một tấn. Bà tư nói rằng, huê lợi mỗi năm từ cây thanh trà tổ này đem lại cho gia đình còn hơn canh tác 3 – 4 công ruộng. Mỗi năm, bà chỉ bón cho cây có 5 kg phân hóa học, ngoài ra, không sử dụng thêm phân bón, thuốc trừ sâu nào nữa.

Anh Nguyễn Thanh Minh – con trai của bà Tư – vòng tay ôm thử cây thanh trà tổ mà vẫn không hết. Ước tính, vòng tròn của cây hiện khoảng 2,5 mét. Từ cây thanh trà tổ này, hằng chục năm qua, nhiều người đến chiết cành, nhân giống ra rất nhiều. Theo anh Minh, trước giải phóng 1975, cây có trái chín chủ yếu cho bà con lối xóm và trẻ em ăn cho vui. Gần 30 năm qua, trái thanh trà mới được mang ra bán ở chợ và hiện nay, tới mùa cây có trái chín, thương lái khắp nơi đổ về mua, mang lên TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh tiêu thụ.

Trái thanh trà

 

Điểm đặc biệt của thanh trà Bình Minh là tính chất quý hiếm của nó. Có thể nói, đến nay, cả vùng ĐBSCL chưa có nơi nào trồng nhiều thanh trà bằng nơi này, kể cả xứ Cái Mơn – xứ có nhiều giống trái ngon, cây quý. Khi đài truyền hình và báo đưa tin về thanh trà Bình Minh đến nay, nhiều người từ Bến Tre, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, kể cả ở Lâm Đồng, tìm đến ấp Đông Hưng 2 để mua cây giống. Nếu so sánh với bưởi Năm roi được được bác Bùi Văn Tước nhân giống cách nay hơn 50 năm từ cây bưởi tổ của nhà ông Hội đồng Huy thì cây thanh trà có niên đại lớn hơn bưởi Năm roi 50 năm và cây thanh trà tổ hiện nay là vật chứng cho thấy, thanh trà có lịch sử lâu dài hơn với chiều sâu 100 năm.

Bác Huỳnh Văn Trượng, người có hơn 3.000m2 đất trồng thanh trà, trong đó, có hai gốc thanh trà đã hơn 50 năm cho rằng, giá trị kinh tế của người trồng và giá trị buôn bán trên thị trường đã khiến cho thanh trà đang có chiều hướng phát triển nhanh. Ngoài chuyện cung ứng cho người tiêu dùng, thanh trà có khả năng dùng để xuất khẩu đưa vào nhà máy chế biến thành nước trái cây thanh trà… Cây thanh trà Bình Minh xứng đáng là đặc sản số 2 của huyện sau cây bưởi Năm roi.

Thanh trà là đặc sản thứ hai của Bình Minh

 

Hằng năm, từ sau Tết Nguyên đán, khách đến Bình Minh, nếu để ý sẽ thấy vài điểm bán trái thanh trà. Trái thanh trà nhìn rất đẹp, vì nó giống như trứng gà và có màu vàng cam. Giá thanh trà khá cao, đầu mùa, giá bán có thể lên đến 20.000 đồng/kg và vào cuối mùa, giá bán 10.000 – 12.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thương lái đến mua tại vườn cao nhất cũng chỉ 15.000 đồng và thấp là 4.000 – 5.000 đồng/kg.

Muốn đến xứ trồng thanh trà, khách đi từ thị trấn Cái Vồn dọc theo quốc lộ 54 về hướng Trà Ôn khoảng 8km là đến ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành. Thanh trà chua giá 5.000 – 7.000 đồng/kg và loại thanh trà Ngọt cao gấp 2 – 3 lần so với loại chua.

Bà Nguyễn Thị Lệ, người ở ấp Đông Hưng 2, trồng ba công thanh trà, cho rằng: “Năm nào cũng vậy, hái trái không đủ bán, ngoài thương lái Bình Minh còn thương lái từ Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh đem xe tải xuống mua, vì vậy người trồng thanh trà yên tâm không sợ hàng ế chợ”. Tại nhà bác Năm Trượng và bác Sáu Vẹn – hai vườn thanh trà có tiếng của ấp Đông Hưng 2 – mỗi năm, vào mùa trái chín, ngày nào, thương lái cũng đến ăn hàng. Người nhà không hái xuể, bác năm Trượng phải mướn người hái trái. Cả ấp Đông Hưng 2, hiện nay, ước tính có khoảng 15 – 20 héc ta đất trồng thanh trà, trong đó khoảng ½ đang cho trái.

Thanh trà có thể trồng hạt nhưng phải mất 10 năm thì cây mới cho trái, còn nếu trồng bằng cách chiết cành thì sau 3 – 5 năm, cây bắt đầu cho trái và muốn có trái nhiều, cây phải có tuổi thọ từ 20 – 50 năm. Cây càng già, trái càng nhiều. Một cây thanh trà 50 năm, mỗi năm, cho trái khoảng 500 – 700 kg.

Hiện nay, nhiều người dân các tỉnh tìm mua cây thanh trà về trồng và giá mỗi nhánh chiết khoảng 20.000 đồng. Cây thanh trà dễ trồng nhưng lớn rất chậm. Ít bị sâu bệnh, chỉ cần lượng phân bón rất nhỏ, khoảng 3 – 5 kg/cây/năm là đủ. Vì vậy, người trồng thanh trà có thể nói rất nhàn nhã. Trái thanh trà được thị trường ưa chuộng vì ăn ngon, màu đẹp và tên cũng rất đẹp. Trái sống có thể nấu canh chua cá ăn, trái chín để ăn, dùng làm nước đá thanh trà vừa thơm ngon, vừa khỏe.

Bài và ảnh: CTV Văn Kim Khanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *